Hôm 20/7 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu đưa máy móc vào phá dỡ nhiều công trình trong trung tâm nghiên cứu Phật giáo và khu nhà ở của các Phật tử ở Học viện Phật giáo Larung Gar (Tây Tạng). Việc phá dỡ này tiến hành sớm hơn 5 ngày so với dự kiến.
Học viện Phật giáo Tây Tạng trước khi bị chính quyền Trung Quốc phá dỡ
Ở độ cao 4.000 mét, Học viện Phật giáo Larung Gar là nơi sinh sống của hơn 40.000 nhà sư và ni cô. Nhưng mới đây, trong một chiến dịch quy hoạch, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành phá dỡ nhiều ngôi nhà ở khu vực này.
RFA dẫn lời một nhà sư giấu tên cho biết, việc phá dỡ bắt đầu từ 8 giờ sáng 20/7. Mục tiêu phá dỡ là các công trình không nằm trong hồ sơ nhà ở được chính phủ cho phép. “Chúng tôi không biết bao nhiêu ngôi nhà bị phá dỡ và cũng không được phép đến đó. Các tăng ni đang lo lắng nhưng không thể làm được gì”.
Có khoảng 60-70% các ngôi nhà đã bị đánh dấu phá dỡ.

Những ngôi nhà băt đầu bị phá vỡ hôm 20/7. Ảnh: Internet.
Lãnh đạo Học viện Larung Gar đã yêu cầu các tăng ni không chống đối lại lệnh của chính quyền. Do đó công việc phá dỡ tiến hành mà không chịu bất cứ sự ngăn trở nào.
Từ ngày 16/6, Học viện này đã đóng cửa, không đón du khách tham quan. Trước đó, Larung Gar vẫn đón hàng trăm nghìn lượt người hành hương tới từ khắp Trung Quốc và Tây Tạng.
Học viện Larung Gar được xem là một trong những trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới. Nơi đây gây ấn tượng với du khách vì lối kiến trúc đặc trưng có một không hai với những ngôi nhà gỗ đỏ xây sát cạnh nhau, tầng tầng lớp lớp.

Học viện Larung Gar là nơi sinh sống của hơn 40.000 tăng ni. Ảnh: Internet.
Từ năm 2001, chính quyền Trung Quốc đã bày tỏ sự lo ngại đối với mật độ dân số quá đông tại Larung Gar. Một lệnh phá dỡ đã được thông qua từ năm 2001. Khi ấy, chính quyền cũng đã trục xuất hàng nghìn tăng ni ra khỏi khu vực và di dời hơn 1.000 ngôi nhà.
Hiện người dân Tây Tạng đang kêu gọi tăng ni, Phật tử khắp nơi ký đơn thỉnh nguyện gửi lên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhờ can thiệp đối với quyết định phá dỡ của chính quyền Trung Quốc.
Hữu Bằng (tổng hợp)
Theo daikynguyenvn.com
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!