Hôm 24/9, các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng việc Nga sáp nhập lãnh thổ của Kiev và hỗ trợ ly khai ở miền Đông Ukraine có nguy cơ khiến thế giới hỗn loạn.
Theo tờ USA Today, phát biểu trong ngày khai mạc cuộc tranh luận chung tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho biết cuộc xung đột ở Ukraine “đã làm lung lay mối quan hệ giữa Nga và Mỹ”, vì vậy “chúng tôi lo ngại rằng Chiến tranh Lạnh sẽ quay trở lại”.
Ông Yudhoyono cho rằng, điều đó sẽ chẳng có lợi cho ai. Các cường quốc phải có trách nhiệm cùng nhau giải quyết những vấn đề lớn.
![]() |
Lực lượng chính phủ Ukraine ở Donetsk hôm 24/9. |
Tại cuộc tranh luận này, Tổng thống Obama dành nhiều thời gian để cảnh báo các mối đe dọa của tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria cũng như các mục tiêu ném bom của Mỹ ở cả hai nước. Bên cạnh đó, ông cũng phát biểu về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ông nói: “Nga đã sáp nhập lãnh thổ Kiev và đổ vũ khí vào miền Đông Ukraine, hỗ trợ phe ly khai và thúc đẩy xung đột giết chết hàng ngàn người” .
Bên cạnh đó, ông Obama cũng không quên cảnh báo: “Các đồng minh NATO sẽ khiến Nga phải trả giá vì hành động xâm phạm Ukraine… Chúng tôi kêu gọi những nước khác cùng với chúng tôi bênh vực lẽ phải”.
Ông Toomas Hendrik Ilves, Tổng thống Estonia, một trong ba nước nhỏ thuộc Liên Xô và là thành viên mới nhất của NATO thì nói rằng, hành động của Nga ở Ukraine đã vi phạm các điều lệ của Liên Hiệp Quốc từ năm 1945, trong đó có các quy tắc nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới mới, và Hiến chương Paris năm 1990 về việc kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Ông Ilves nói rằng những điều lệ đó cấm các nước thành viên vi phạm toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ của nhau. Nga đã và đang vi phạm điều đó bằng cách nhân danh bảo vệ dân tộc Nga ở nước ngoài. Lý luận như vậy gợi nhớ đến hành động của Đức Quốc xã vào năm 1938 khi mà sự tồn tại của cộng đồng dân tộc ở nước ngoài đã bị sử dụng để biện minh cho việc sáp nhập các lãnh thổ.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö thì cho rằng, mối đe dọa từ Nga đã vượt ra ngoài vấn đề an ninh quốc gia và châu Âu vì Nga đã làm xói mòn các quy tắc của Liên Hợp Quốc về việc giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán.
Ông Niinistö nói: “Một hệ thống quốc tế dựa trên các quy định pháp luật là một điều kiện tiên quyết của an ninh quốc tế. Nếu chúng ta không bảo vệ hệ thống này, nó sẽ không còn bảo vệ chúng ta được nữa. Việc trật tự quốc tế bị xói mòn sẽ dẫn đến sự hỗn loạn”.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk yêu cầu Liên Hợp Quốc dùng áp lực quân sự và ngoại giao cần thiết để buộc Nga tuân thủ tất cả 12 điểm trong thỏa thuận hòa bình gần đây.
Ông khẳng định, lính Nga vẫn đang ở trên đất Ukraine và Kiev sẽ tiếp tục nỗ lực để kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của mình bao gồm cả bán đảo Crimea.
Yatsenyuk khép lại với một thông điệp cho các nhà lãnh đạo Nga: “Ông Putin, ông có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại quân đội nhưng ông sẽ không bao giờ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dân tộc Ukraine, quốc gia Ukraine thống nhất”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ USA Today (Nước Mỹ ngày nay), một tờ báo được xuất bản vào năm 1982, chủ sở hữu là Tập đoàn Gannett và được phân phối khắp nước Mỹ. Theo một số thông tin không chính thức, tờ báo này có tổng số lượng phát hành lớn nhất của báo Mỹ và lớn thứ hai trong hệ thống báo tiếng Anh.
Theo Infonet
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!