Ngày 16.4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã “vi hành” đến Bệnh viện Nhi T.Ư, sau một thời gian dài bệnh viện này kêu cứu vì quá tải và vì quá nhiều bệnh nhi nhập viện và tử vong do sởi.

Cũng chỉ trước 1 ngày, TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định chỉ có 25 trẻ tử vong do sởi. Nhưng sau 1 ngày, TS Phu lại thông báo có 108 ca tử vong liên quan đến sởi. TS Phu giải thích, vẫn chỉ có 25 ca tử vong trực tiếp do sởi, còn hơn 80 ca còn lại là do các biến chứng khác trên nền bệnh cảnh trẻ đang mắc sởi nên không tính hết là tử vong do sởi mà chỉ là các biến chứng liên quan đến sởi.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn cho biết, số ca mắc này nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố, không tập trung đông. Ngay cả tại Hà Nội, chiếm tới 1/3 số ca mắc sởi (tương đương gần 2.000 ca mắc) tại thời điểm hiện tại nhưng theo bà Tiến, các ca bệnh cũng lẻ tẻ ở các xã phường. Việc có công bố dịch sởi (nhóm B) hay không Bộ Y tế không có quyền quyết định mà thẩm quyền thuộc về chủ tịch UNBD tỉnh, thành phố. Khi chưa có tỉnh, thành nào công bố dịch thì Bộ Y tế chưa thể công bố dịch. Bộ cũng không thể giục giã, yêu cầu các tỉnh công bố dịch được.
Ngày 16.4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch sởi, chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế thấp nhất số người mắc bệnh và chết do bệnh sởi. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện, khẩn trương dập tắt dịch sởi; tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch sởi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời cách phòng ngừa bệnh sởi.
(Theo Dân Việt.)
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!