Làm sao để bài thuyết trình thực sự hay và cuốn hút chứ không phải diễn ra theo kiểu “người nói đọc lại những gì đang có trên slide”?
Tháng 12 là tháng của những bài thi giữa kì của sinh viên. Có nhiều thầy cô lựa chọn hình thức thi viết, thi trắc nghiệm, thi vấn đáp… nhưng có lẽ thuyết trình là hình thức được sử dụng nhiều nhất cho các kì thi giữa kì, đặc biệt đối với các ngành học thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn. Bước chân vào giảng đường đại học, sinh viên không còn xa lạ gì với hình thức trình bày này. Tuy nhiên làm sao để bài thuyết trình thực sự hay và cuốn hút chứ không phải diễn ra theo kiểu “người nói đọc lại những gì đang có trên slide”? Có lẽ đây là câu hỏi được nhiều bạn sinh viên đặt ra. Hãy tham khảo 4 bước cơ bản sau đây để có một bài thuyết trình hoàn hảo và gây ấn tượng với người nghe!
Thuyết trình nhóm
Chuẩn bị kĩ nội dung
Phần quan trọng nhất của một bài thuyết trình bao giờ cũng là nội dung. Nội dung của một bài thuyết trình chính là những điểm quan trọng nhất mà bạn muốn truyền đạt đến người nghe. Một tiểu luận có thể dài đến 30 trang, nhưng điều chắc chắn là bạn không thể trình bày cả nội dung của 30 trang đó trong khoảng thời gian bị giới hạn chỉ khoảng 15 hay 20 phút. Thậm chí đối với những đề tài tham gia Giải thưởng Nghiên cứu Khoa học Sinh viên Eureka Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XV vừa qua cũng chỉ được trình bày trong 10 phút dù đề tài dài đến cả trăm trang. Vì vậy, việc lựa chọn những nội dung nào để trình bày luôn là điều quan trọng nhất đối với một bài thuyết trình. Hãy gạch ý chính những điều bạn muốn trình bày, và sau đó chắt lọc dần để nội dung cô đọng và người nghe nắm bắt được ý chính trong bài của bạn. Nên tránh trường hợp trình bày lan man ở phần dẫn nhập và khi đến phần nội dung chính, người nghe đã cảm thấy mệt mỏi và không chú ý đến phần thuyết trình của bạn nữa.
Power Point dễ theo dõi
Sau khi hoàn tất những nội dung sẽ được trình bày, bước tiếp theo cực kì quan trọng liên quan đến sự thành công của một bài thuyết trình là Power Point. Trong khuôn khổ một bài giữa kì hoặc cuối kì, Power Point chỉ nên dài từ 15-20 slide. Con số này khá lí tưởng cho những bài tập nhỏ, nó không quá nhiều và cũng đủ dài để truyền tải nội dung người nói muốn trình bày. Bạn nên lưu ý đến hình nền của Power Point. Hiện nay trên Internet có khá nhiều Power Point mẫu được làm sẵn và hoàn toàn miễn phí, bạn nên sử dụng những nền này nếu chưa có kinh nghiệm nhiều trong việc tự làm Power Point trình chiếu. Bên cạnh đó, tránh tình trạng “rải mè” trên màn hình khi trình bày quá nhiều chữ. Những đề mục nên được tô bằng một màu khác nổi bật hơn, và nên kèm theo hình ảnh minh họa để người xem hứng thú hơn với bài thuyết trình của bạn. Cỡ chữ là một điều khá quan trọng, và nó tùy thuộc vào không gian trình chiếu của bạn rộng hay hẹp. Nhưng trong một phòng học bình thường, cỡ chữ đủ để người đọc có thể thấy là từ 20 trở lên. Nên nhớ rằng nếu nội dung trình bày đã được rút gọn từ bài tiểu luận của bạn, thì Power Point lại là lần rút gọn tiếp theo từ nội dung, và bạn chỉ nên đưa những ý chính lên đây, còn phần trình bày nên được soạn sẵn và từ những ý chính xuất hiện trên Power Point, bạn sẽ nói cho người nghe rõ hơn về vấn đề này. Lưu ý rằng đó là “nói”, chứ không phải “đọc”, bạn nhé!
Trang phục nhã nhặn
Chuẩn bị xong nội dung và file Power Point thuyết trình là cơ bản bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho bài của mình rồi. Nhưng cũng đừng quên rằng trang phục cũng đóng góp phần không nhỏ vào sự thành công hay thất bại của một bài thuyết trình. Bạn nên lựa chọn trang phục lịch sự và nhã nhặn. Thay vì thường ngày mặc Jean và áo thun, bạn hãy thay bằng quần tây và áo sơ mi. Không nên chọn những màu sắc quá nổi bật như đỏ hoặc xanh lá đậm. Đầu tóc gọn gàng cũng là cách giúp bạn ghi điểm cho một bài thuyết trình!
Tin vào những gì mình nói
Và bí quyết cuối cùng để có một bài thuyết trình thành công là bạn phải tin vào những gì mình trình bày. Chỉ khi đó, bạn mới làm người khác tin vào mình được. Bằng cách nào ư? Chỉ cần sự điều tiết từ giọng nói, phong thái, và những giao tiếp phi ngôn ngữ như cử chỉ, ánh mắt… là bạn đã thể hiện được sự tự tin đó rồi! Nhưng quan trọng hơn là sự tự tin đó chỉ có thể xuất hiện khi bạn đã làm tốt 3 phần ở trên. Tin vào chính bản thân mình, và người khác sẽ tin bạn!
Để có một bài thuyết trình tốt không phải là điều quá khó khăn phải không nào? Nó phụ thuộc khá nhiều vào việc bạn có nghiêm túc muốn làm nó hay không. Hi vọng rằng thuyết trình sẽ không còn là cơn ác mộng của nhiều sinh viên, mà thay vào đó mỗi buổi thuyết trình sẽ là cơ hội để chúng ta được trao đổi và hiểu rõ hơn về vấn đề mình trình bày. Chúc các bạn thành công và có một kết quả như ý muốn cho bài thuyết trình của mình!
Phan Kiều Khanh
Theo muctim
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!