Home » Thế giới » Trung Quốc – ‘Nạn nhân’ hay ‘Kẻ chuyên bắt nạt’?
Binh pháp Tôn Tử, sản phẩm của nền văn minh Trung Hoa, được xem là một trong những binh thư kinh điển trong lịch sử quân sự thế giới. Nhưng trớ trêu là chính sách ngoại giao hiện này của Trung Quốc lại đang đi ngược lại lời dạy của “cổ nhân”.
Tác giả Robert Manning trên trang Nationalinterest cho rằng có lẽ bóng ma quá khứ sẽ còn tiếp tục ám ảnh các nước châu Á trong thế kỷ 21 – “Thế kỷ của châu Á”. Vụ việc mới nhất trong chuỗi các rắc rối là chuyến thăm tới Bắc Kinh vừa qua của Thứ trưởng Nhật Bản Akitaka Saiki với mục đích hàn gắn mối quan hệ với Trung Quốc đã rạn nứt. Khi ông Saiki vừa xuống máy bay thì truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ thông tin về cuộc họp thượng đỉnh mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – tâm điểm của căng thẳng Nhật – Trung hiện nay.

Hiểu sai chủ ý của Tokyo mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ người chủ tư nhân và tuyên bố của các quan chức Nhật Bản về việc diễn giải lại lịch sử, tâm lý chống Nhật ở Trung Quốc lại có cớ để trỗi dậy.

Trong 1 năm qua, Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện là nơi sinh sống của khoảng 150 chú dê.

Hồi cuối tháng Bảy, 4 tàu thuộc Lực lượng canh gác bờ biển bán quân sự mới được thành lập của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển quanh quần đảo tranh chấp để tuần tra. Cùng lúc đó, Trung Quốc điều một máy bay cảnh báo sớm Y-8 vào không phận quốc tế gần đảo Okinawa.

Ngoài cuộc tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, khái niệm “những lợi ích cốt lõi” Trung Quốc ngày càng mở rộng thể hiện chủ trương của Bắc Kinh đòi lại những khu vực mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình ở khu vực châu Á.

Một dẫn chứng cho điều này là những bài báo đăng trên tờ Nhân dân nhật báo (People’s Daily) và Hoàn Cầu (Global Times) với câu hỏi liệu Okinawa – nơi Mỹ đang đặt các căn cứ quân sự và là nơi sinh sống của 1,3 triệu người Nhật Bản – cùng các hòn đảo khác có phải thuộc về Trung Quốc không? Động thái trên cho thấy có thể Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi trật tự của châu Á và đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Dù cho thế nào thì thông điệp ở đây cũng khá rõ: sau vài thế kỷ tồi tệ, Trung Hoa đã quay trở lại. Trung Quốc liên tục có những động thái nhằm khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Trong vòng hơn 1 năm, Trung Quốc đã tìm cách “vô hiệu hóa” sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo này bằng một loạt các hoạt động bán quân sự có tính chất cưỡng chế. Động thái này của Trung Quốc giống nhưng không quyết liệt bằng con đường khẳng định chủ quyền mà nước này áp dụng trên Biển Đông: Bắc Kinh thực hiện các hành động nhằm “tạo ra sự việc đã rồi”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông dựa trên cái mà nước này gọi là “bản đồ 9 đoạn” mà cơ sở của nó hiện vẫn chưa rõ ràng và cũng không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà Bắc Kinh đã phê chuẩn.

Dù cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông có hợp pháp hay không thì câu hỏi quan trọng hơn là: kết quả cuối cùng sẽ là gì? Trung Quốc nghĩ chuyện này sẽ đi tới đâu? Washington đã khẳng định rõ Hiệp ước ước quốc phòng Mỹ – Nhật có hiệu lực với toàn bộ lãnh thổ mà Nhật Bản kiểm soát và Nhật Bản thì thậm chí còn không thừa nhận có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tôn Tử sẽ nghĩ ra sao?

 

Tôn Tử (trái) và cuốn Binh pháp Tôn Tử – tác phẩm kinh điển về nghệ thuật quân sự.

 

Thực ra những hành động quyết liệt của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm này là điều rất khó hiểu.

Giới lãnh đạo mới của Trung Quốc đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình đối mặt với nhiều thách thức từ trong nước như ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, dân số già và một mô hình tăng trưởng kinh tế lỗi thời. Giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhận thức rất rõ các vấn đề này và đang nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế từ tăng trưởng do đầu tư và xuất khẩu sang tăng trưởng do cầu tiêu dùng, mở rộng dịch vụ và đổi mới. Đây là thách thức căn bản mà Trung Quốc đang và sẽ đối mặt trong thập kỷ tới.

Tôn Tử, chiến lược gia Trung Quốc thời kỳ cổ đại, từng dạy rằng: “Hãy tỏ ra yếu khi đang mạnh và tỏ ra mạnh khi đang yếu” và Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của công cuộc hiện đại hóa ở Trung Quốc, cũng lấy câu “Giấu mình chờ thời” làm “kim chỉ nam” cho chính sách ngoại giao của mình.

Trong khi đó, không hiểu lối hành xử và chính sách ngoại giao hiện nay của Trung Quốc phục vụ cho những lợi ích của nước này thế nào mà cả khu vực châu Á đều cảm thấy lo ngại về những ý đồ của Trung Quốc và các quốc gia “kéo nhau” liên minh với Mỹ và xây dựng một mạng lưới hợp tác an ninh chằng chịt giữa các nước như Nhật Bản – Philippines, Ấn Độ – ASEAN.

Như vậy các chiến lược gia Trung Quốc đã quyết định bây giờ là thời điểm gây thù địch với tất cả các nước láng giềng từ Ấn Độ cho tới Việt Nam và đối đầu với Mỹ? Tất nhiên, các học giả Trung Quốc sẽ lí giải cho chính sách này với cớ rằng: chính chiến lược “Trục châu Á” của Mỹ khiến khu vực này bất ổn. Nói cách khác, Trung Quốc coi mình là nạn nhân, chứ không phải thủ phạm.

Trung Quốc là nạn nhân hay kẻ bắt nạt?

Luận điệu trên của Trung Quốc có thể hiểu được khi Trung Quốc còn là một quốc gia nghèo thuộc thế giới thứ ba. Nhưng nó hoàn toàn không thích hợp với thời điểm hiện nay. GDP của Trung Quốc nhảy vọt từ 200 tỷ USD vào năm 1980 lên tới hơn 7.000 tỷ USD vào năm 2012. Chi tiêu quân sự của nước này đã tăng với tốc độ 2 con số trong 2 thập kỷ qua và hiện đang ở mức 120 tỷ USD mỗi năm, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Rõ ràng, Trung Quốc đã trở thành một “người chơi” lớn trên bàn cờ khu vực và toàn cầu.

Sau 30 đổi mới, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Và khi một kẻ chuyên đi bắt nạt cho rằng mình là nạn nhân thì hậu quả đặc biệt nguy hiểm.

Xét về mối quan hệ Nhật – Trung, dù cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có là người theo tư tưởng bảo thủ đến đâu, ông cũng hiểu rõ tương lai của Nhật Bản ra sao tùy thuộc vào việc khôi phục nền kinh tế. Ông đã đúng đắn khi thể hiện mong muốn giảm nhẹ căng thẳng với Trung Quốc.

Sau hành động đề nghị đàm phán vừa qua của Thứ trưởng Nhật Bản Akitaka Saiki, Trung Quốc nên xem lại chính sách của mình đối với Nhật Bản. Năm ngoái, sau khi các cuộc biểu tình chống Nhật diễn ra tại hàng chục thành phố ở Trung Quốc, các công ty đa quốc gia Nhật Bản bắt đầu tìm hướng đầu tư mới thay thế Trung Quốc. Trong khi đó với nền kinh tế tăng trưởng ngày càng chậm đi, Bắc Kinh sẽ cần tạo ra công ăn việc làm để tạo sự ổn định.

Nhìn ở góc độ lớn hơn, tương lai Trung Quốc có thịnh vượng hay không tùy thuộc vào năng lực đầu tư cho nền kinh tế tri thức trong thế kỷ 21 với các lĩnh vực như Công nghệ thông tin, in 3D, rô bốt, công nghệ nano và công nghệ sinh học, vân vân… chứ không tùy thuộc vào chiến lược ngoại giao quyết liệt nhằm khẳng định chủ quyền đối với các hòn đảo nhỏ trên Biển Đông nơi tiềm năng dầu khí sẽ chỉ đáp ứng một phần nhỏ trong nhu cầu năng lượng của Trung Quốc.

Tóm lại, lối hành xử của Trung Quốc ở châu Á đang đi ngược lại những lợi ích dài hạn của nước này; đến nỗi dư luận tự hỏi không hiểu qui trình ra quyết định ở Bắc Kinh như thế nào. Dư luận thấy khó hiểu khi Trung Quốc vừa “rêu rao” về sự cần thiết phải tạo ra “kiểu quan hệ mới giữa các cường quốc trên thế giới” lại vừa hành xử như một cường quốc đang lên theo kiểu cổ điển, lỗi thời.

Dù cho ý đồ cuối cùng của họ là gì thì Bắc Kinh cũng đang đi ngược lại binh pháp của Tôn Tử – hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

Theo Infonet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc