Home » Thế giới » Tên lửa Trung Quốc có khả năng công phá căn cứ Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương
Ngay sau khi cho ra mắt tên lửa hành trình CJ-10, Trung Quốc đang lên kế hoạch thiết kế một tên lửa hành trình hiện đại hơn CJ-20 có khả năng tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương.
Tên lửa CJ-10 của Trung Quốc trong cuộc diễu binh năm 2009

Theo bản tin Duowei News của người Trung Quốc sinh sống tại nước ngoài, sau khi biên chế CJ-10, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang lên kế hoạch sản xuất tên lửa hành trình hiện đại hơn CJ-20, được phóng từ các máy bay chiến lược H-6 nhằm tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Hans Christensen thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ cho biết tên lửa CJ-10 có thể được phóng từ trên mặt đất hoặc từ tàu chiến với tầm bắn 1.500 km, đang trở thành loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm đối với đội tàu sân bay của Mỹ. Hiện nay, khoảng 200 tên lửa CJ-10 đang được triển khai tại Quân đoàn Pháo binh số 2 – đơn vị tên lửa chiến lược của Trung Quốc.

Theo chuyên gia phân tích người Nga – Vasiliy Kashin, tên lửa CJ-10 được phát triển dựa trên các mảnh tên lửa Tomahawk của Mỹ, được thu thập tại Afghanistan và Pakistan.

Trong khi đó, tên lửa hành trình tối tân CJ-20 sẽ có tầm bắn 2.200 km nếu được PLA triển khai từ các máy bay ném bom chiến lược H-6H hoặc H-6M.

Một báo cáo được Không quân Mỹ đăng tải năm 2009 cho biết tên lửa CJ-20 còn có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Trong viễn cảnh một cuộc chiến xảy ra giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc trong tương lai, căn cứ hải quân Mỹ trên đảo Guam sẽ trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của tên lửa CJ-20.

Những tên lửa như KD-63, KD-88 và KH-59 vốn được PLA triển khai có thể thay đổi môi trường tác chiến chiến thuật song CJ-20 lại có thể tấn công theo hướng chiến lược với khả năng hạ gục các căn cứ quân sự của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương.

Hiện nay, quân đội Mỹ và Nhật Bản đang tiến hành cuộc tập trận đổ bộ lên các quần đảo tranh chấp tại khu bờ biển bang California.

Trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc đang ngày càng rạn nứt do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và nhằm ngăn chặn khả năng tấn công của Bắc Kinh, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã điều động 3 tàu chiến cùng khoảng 1.000 binh lính thuộc Lực lượng Phòng vệ mặt đất, Lực lượng Phòng vệ bờ biển và Lực lượng Phòng vệ trên không cùng 4 chiến đấu cơ tham gia cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ mang tên Dawn Blitz từ ngày 11- 28/6.

Theo Infonet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc