Home » Thế giới » Nga – Không phải số một, nhưng là “không thể thiếu”
Nước Nga cho đến nay không phải là nền kinh tế lớn nhất, cũng không phải là nước có quân sự mạnh nhất. Nhưng vai trò của Nga trong bối cảnh chính trị phức tạp hiện nay cho thấy, Nga vẫn là một nước không thể thiếu trong việc điều chỉnh sự cân bằng sức mạnh của thế giới.

Quá khứ oai hùng

Lính Liên Xô và phương tiện di chuyển chính – xe mô tô ba bánh – thời chiến tranh thế giới thứ 2.

74 năm tích lũy và phát triển, Nga dưới thời Liên Xô cũ là đất nước đi theo chủ nghĩa xã hội hùng mạnh nhất ở cả khía cạnh kinh tế lẫn quân sự. Trong giai đoạn chiến tranh, đặc biệt là trong Thế chiến II, bằng một tinh thần Xô Viết mạnh mẽ, Liên Xô đã cứu một nửa thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á ra khỏi giai đoạn thuộc địa và bị chiếm đóng.

Vai trò quốc tế của Nga sau Cách mạng tháng Mười trở nên nổi bật hơn hẳn. Nga chính là đối trọng duy nhất với Mỹ lúc bấy giờ. Nga đã đẻ tạo ra và duy trì thế cân bằng chiến lược đó trong suốt thời gian chiên tranh lạnh. Mặc dầu đó là sự cân bằng rất nguy hiểm trên miệng hố chiến tranh hạt nhân nóng toàn cầu, song nó cũng tạo ra sự ổn định tương đối trong trật tự thế giới lúc bấy giờ.

Tuy thời gian sau chiến tranh, tiếp đó là thời kỳ Chiến tranh Lạnh, xã hội Liên Xô bộc lộ nhiều yếu kém dẫn đến sụp đổ vào năm 1991. Nhưng không thể phủ nhận, bằng sức mạnh tổng thể đầy kiên cường, Liên Xô đã kiềm chế một cách hiệu quả dã tâm xâm lược của người Mỹ cũng như các nước thành viên NATO ( Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương).

Vị trí của Nga trên thế giới

Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Nga trở thành một nước dân chủ. Sức mạnh thời chiến tranh đã không còn, thay vào đó là sự xáo trộn địa chính trị, làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc cơ bản của nước Nga.

Về kinh tế, Nga hiện đang đứng thứ 9, đây là vị trí không nhỏ, nhưng lại không hề cao. Đứng phía trước Nga, ngoài Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là không thể so sánh thì những vị trí như Đức, Pháp, Anh hay Brazil đều là những cái tên không khiến Nga phải e dè trên con đường phát triển kinh tế của mình. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn dự đoán Nga chỉ có thể đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng “nhà giàu” của thế giới trong năm 2022.

Không thể bứt phá về mặt kinh tế là bởi vì Nga vướng quá nhiều những vấn đề còn tồn tại kể từ sau năm 1991. Cả nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn như suy thoái và tình trạng tham nhũng ăn sâu vào xã hội nước Nga. Thậm chí, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Nga vốn đang theo chiều hướng suy giảm và đây thực sự là một triệu chứng đáng báo động. Các số liệu do Bộ Phát triển Kinh tế Nga công bố giữa tháng 4 ghi nhận việc hạ dự báo các chỉ số chính phát triển kinh tế, theo đó tăng trưởng GDP năm 2013 được điều chỉnh giảm từ 3,6% xuống 2,4%, sản xuất công nghiệp giảm từ 3,6% xuống 2%, đầu tư tài sản cố định giảm từ 6,5% xuống 4,6%.

Tổng thống Putin đã yêu cầu phải bảo vệ tối đa nền kinh tế Nga trước những biến động bất lợi của kinh tế thế giới. Ông đề nghị nội các “cần chuẩn bị tinh thần đối mặt với thực tế suy thoái kinh tế và khủng hoảng trong hệ thống tài chính toàn cầu có thể tác động xấu tới nền kinh tế Nga”. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra các chính sách kiên quyết nhằm xóa bỏ tệ nạn tham nhũng trong giới quan chức Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin – biểu tượng sức mạnh mới của nước Nga

Trong khi đó, quan hệ chính trị giữa Nga và các quốc gia, các tổ chức quốc tế không hoàn toàn “thân thiết”. Nga hầu như không tham gia vào các nhóm khu vực cơ bản, điển hình là Nga từ chối hoàn toàn tham gia vào NATO và EU – hai khối kinh tế – quân sự lớn trên thế giới dù Nga nằm trong khu vực địa lý của 2 khối này. Đây cũng là một đường lối chính trị đối ngoại xuyên suốt của Nga từ chế độ cũ cho đến chế độ dân chủ hiện nay.

Nga không tham gia vào 2 khối này bởi nhiều lý do. Trên cương vị từng là cường quốc lớn nhất nhì thế giới, khi tham gia và ràng buộc với các nhóm quốc gia này, Nga sẽ chỉ còn là vai vế một quốc gia lớn như Anh, Đức, Pháp – điều mà Nga cảm thấy không tương xứng với quá khứ của mình.

Mặt khác, khi Nga tham gia vào NATO, Nga sợ sẽ bị ảnh hưởng bởi nước Mỹ. Thực tế, phải thừa nhận rằng, hiện nay Nga là nước chưa thể so sánh với Mỹ. Tuy nhiên, nếu bị phụ thuộc vào Mỹ thì đây là điều không thể chấp nhận được đối với người Nga. Tổng thống Nga Putin từng khẳng định rằng Nga có đủ khả năng tự đảm bảo an ninh quốc gia cho mình và người dân nước này cần một “Nước Nga vĩ đại”.

Sức mạnh quân sự quyết định vị trí của Nga

Nga vẫn là nước có sức mạnh quân sự lớn, đứng vào hàng thứ 2 trên thế giới, vượt mặt cả Trung Quốc đang trỗi dậy. Vị trí này Nga giữ được nhờ những thành quả khổng lồ trong suốt thời kỳ Liên Xô cũ.

Theo công bố chính thức, chi phí quốc phòng của Nga đứng thứ 2 trên thế giới, ở mức 65 tỉ USD. Quan trọng hơn cả là vị trí này còn dành cho nền công nghệ (và công nghiệp) quốc phòng của Nga. Các loại máy bay tiêm kích, cường kích, cũng như các loại vũ khí cho bộ binh của Nga cũng thuộc loại hiện đại nhất thế giới. Nga cũng sở hữu kho tên lửa hạt nhân và hạm đội tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân lớn nhất thế giới. Cũng như Mỹ, Nga có thể nói là miễn nhiễm với việc bị xâm lăng ngay cả khi nước Nga đứng đơn độc.

Tuy nhiên, Nga cũng phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc tiếp tục phát triển sức mạnh quân sự của mình. Nga kế thừa đến 85% lực lượng vũ trang, phần lớn tiềm năng quân sự khổng lồ cả về hải, lục, không quân, nhất là kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô cũ. Song cơ sở vật chất kỹ thuật của toàn bộ di sản vũ khí đó đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga hiện chỉ có thể sản xuất được 18% khối lượng sản phẩm mà Liên Xô trước đây sản xuất. Khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga bị giảm thiểu, tình trạng vô kỷ luật, phạm tội, tham nhũng.. trong quân đội gia tăng.

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, việc phải duy trì một nền quân sự quốc phòng lẫn nền công nghiệp quốc phòng mạnh là điều không dễ. Điển hình là nước Mỹ đang cảm nhận rõ kinh tế làm ảnh hưởng đến vị thế quân sự của mình như thế nào khi không thể bao quát hết được an ninh thế giới và các chính sách quân sự đều đang yếu đi. Nga cũng không thoát khỏi lối mòn đó, và cũng không thể tránh khỏi việc suy thoái kinh tế dẫn đến sự tụt hậu trong ngành công nghiệp quân sự.

Tuy vậy, Nga vẫn nhất quán tư tưởng xây dựng 1 nước Nga hùng mạnh về quân sự để luôn giữ vai trò đặc biệt trên chính trường thế giới. Các khoản chi tiêu công khác của Nga bị cắt giảm đáng kể kể từ suy thoái 2008 – 2009, tuy nhiên, Nga đã không cắt giảm chi tiêu quốc phòng mà ngược lại, đang tiến hành đầu tư cải tiến mới ngành công nghiệp này, đặc biệt là kho vũ khí hạt nhân đã quá kỹ kể từ thời Xô Viết.

Vai trò của Nga trong việc ổn định hòa bình thế giới

Hạm đội Thái Bình Dương – sự phô trương sức mạnh hải quân của Nga và là một trong những hạm đội hải quân lớn nhất thế giới.

Nga có một vai trò đặc biệt trong việc ổn định hòa bình thế giới, không chỉ tồn tại trong chiến tranh mà đến nay, nó vẫn được duy trì. Ngoài vị trí cường quốc quân sự thế giới, chính vị trí địa chính trị của Nga đã đem lại cho nước này một sứ mệnh đặc biệt. Nước Nga có diện tích trải dài trên hai lục địa Á – Âu, có đường biên giới với nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Mông Cổ, các nước Đông Âu và Triều Tiên. Ở ngoài biển, Nga có đường biển chung với Nhật.

Chính vị trí địa lý như vậy đã giúp Nga trở thành một đối trọng lớn đối với các cường quốc hiện nay. Ở vai trò là một nước châu Âu hay một nước châu Á, Nga đều trở thành tiếng nói có tính quan trọng hàng đầu trong khu vực.

Nga có lịch sử gần một thế kỷ là đối trọng với Mỹ trên mọi chính trường. Ngay cả hiện nay, Nga và Mỹ vẫn đang đứng ở vị trí đối lập trong các vấn đề quốc tế. Cụ thể nhất là vấn đề về cuộc nội chiến ở Syria.

Nếu như Mỹ ra sức để dẹp bỏ chính quyền đương nhiệm ở nước này, tìm cách đưa lực lượng phe nổi dậy lên nắm quyền thì ngược lại, Nga tỏ ra ủng hộ mạnh mẽ đối với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Dù đã cùng với Liên Hợp Quốc ký lệnh cấm vũ khí đối với Syria, Nga vẫn cung cấp phần lớn các loại quân trang hiện đại cho chính phủ nước này. Mới đây nhất, Nga đã bán cho Syria hệ thống tên lửa phòng không S – 300 tân tiến, cho phép chính quyền của ông Assad có thêm sức mạnh để đối đầu với phe nổi loạn.

Với vai vế của Nga, Mỹ một phần phải kiêng dè và luôn cân nhắc giữa các lợi ích của mình và mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Ở châu Á, Nga có vai trò là người quan sát nhiều hơn là trực tiếp tham gia vào các điểm nóng khu vực. Có chung một đường biên giới với Trung Quốc, Nga đã kiềm chế một phần tư tưởng bành trướng của quốc gia này. Hiện tại, Nga – Trung đang cố gắng xây dựng một mối quan hệ “làm ăn” kinh tế đẹp. Những dự án dầu khí chung gần đây cho thấy điều này. Tuy nhiên, Nga chắc chắn sẽ không để chuyện “tiền bạc” ảnh hưởng đến lập trường chính trị của mình, nhất là với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc đang cố lôi kéo Nga trở thành một đồng minh trong khu vực, ủng hộ Bắc Kinh trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông với Nhật, Nga lại tỏ ra hờ hững với lời mời gọi đó. Bởi vì một điều chắc chắn là bất cứ cuộc chiến nào xảy ra ở châu Á, Nga sẽ không bao giờ tham gia và ủng hộ bất cứ bên nào.

Theo Infonet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc