Home » Sức khỏe » Cuộc sống ở thành phố không tốt cho não bộ?

Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí ‘Nature’ số ra ngày 23/6/2011, cuộc sống thành thị có lẽ làm tăng hoạt động ở các vùng não liên quan tới các chứng bệnh tâm thần.

[title]

Cuộc sống ở thành phố có liên hệ với sự gia tăng hoạt động ở các vùng não liên quan tới các chứng bệnh tâm thần (iStockphoto: Ola Dusegard)

Các nhà khoa học từ Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương của Đức và Đại học McGill ở Canada đã sử dụng phướng pháp chụp cộng hưởng từ chức năng để đánh giá áp lực của cuộc sống đô thị đối với hoạt động của não bộ.

Theo giáo sư Andreas Meyer-Lindenberg, tác giả chính của công trình nghiên cứu trên, nguy cơ mắc bệnh tâm thần của cư dân thành phố cao hơn.

“Nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt cao gấp đôi và các triệu chứng lo lắng và trầm cảm cũng gia tăng”, Giáo sư Andreas nhận xét.

Ông cũng cho biết mục tiêu của nghiên cứu là nhằm chứng tỏ mối quan hệ giữa cuộc sống đô thị với chứng căng thẳng và các bệnh tâm thần.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh hoạt động não của nhiều nhóm người tình nguyện tham gia nghiên cứu sống ở các vùng đô thị và nông thôn.

Những người tình nguyện được yêu cầu thực hiện một chương trình số học trên máy tính nhưng họ không biết rằng chương trình này được lập ra nhằm ‘làm khó’ họ, đưa ra những nhiệm vụ rất khó để người tham gia đạt được điểm số rất thấp.

Để tăng thêm căng thẳng, có một quan chức chính quyền làm nhiệm vụ nhận xét kết quả, nói với những người tham gia rằng họ là những người tệ nhất và thúc giục họ tiến bộ hơn.

Theo Giáo sư Andreas, tình huống đặt ra giống như sự căng thẳng do những đánh giá của xã hội khi người tham gia cảm thấy họ không đạt được những chuẩn mực xã hội thông thường.

Kích thích não bộ

Căng thẳng không chỉ làm tăng nhịp tim, huyết áp và mức hormone cortisol căng thẳng trong nước bọt của những người tình nguyện mà còn khiến cho hạnh não, vùng liên quan tới cảm xúc, của họ trở nên phấn khích.

Những người sống ở thành phố lớn có hoạt động ở hạnh não cao nhất trong khi những người sống ở các thị trấn thì thấp hơn và những người sống ở nông thôn ít hoạt động nhất.

“Hạnh não là trung tâm cảnh báo nguy hiểm của não bộ”, Giáo sư Andreas cho biết. “Nó liên quan mật thiết với hiện tượng lo lắng và trầm cảm.”

Một vùng não khác thể hiện hoạt động liên quan tới quãng thời niên thiếu đối tượng tham gia sống ở các vùng đô thị. Với những người sống ở thành thị trong thời thơ ấu, vùng vành vỏ não hoạt động nhiều hơn.

“Vành não là một vùng điều tiết tham gia giải quyết các sự kiện tiêu cực trong cuộc sống”, Giáo sư Andreas giải thích. “Nó rất dễ bị tổn thương do căng thẳng trong giai đoạn đầu đời. Các nhà khoa học phát hiện thấy nó thể hiện những thay đổi ở người bị tâm thần phân liệt giai đoạn đầu”.

Thí nghiệm này đã được thực hiện ba lần và ở cả ba lần thí nghiệm, não của người dân thành thị đều hoạt động nhiều hơn.

Cuộc sống thành thị không hoàn toàn bất lợi

“Vào năm 1950, chỉ 30% dân số thế giới sống ở các khu vực thành thị. Số lượng dân thành thị hiện nay là hơn 50%. Đến năm 2050, số dân thành thị ước tính sẽ tăng lên gần 70%”, Giáo sư Ralph Adolphs và Tiến sĩ Daniel Kennedy từ Viện Công nghệ California viết trong bài bình luận trên tạp chí ‘Nature’ số ra cùng ngày.

Theo hai ông, nghiên cứu trên cho thấy có mối liên hệ giữa hai yếu tố nhưng chưa chắc chắn nhân tố nào là nguyên nhân gây ra nhân tố kia. Do vậy, hai nhà nghiên cứu khuyến cáo nên thực hiện các nghiên cứu quy mô lớn hơn để tìm hiểu liệu có yếu tố ngoại cảnh nào hay không.

“Những nghiên cứu như vậy có thể đo địa vị của mỗi cá nhân trong hệ thống xã hội, tần số tiếp xúc với người lạ, cũng như mật độ dân số, lượng không gian và loại nhà ở”, hai nhà nghiên cứu viết.

Giáo sư Ralph Adolphs và Tiến sĩ Daniel Kennedy cũng lưu ý rằng cuộc sống ở thành thị có khá nhiều ưu điểm.

“Ở nhiều nước, nghiên cứu về mối quan hệ phức tạp giữa cuộc sống ở đô thị và tỉ lệ tự sát cho thấy tỉ lệ này ở nông thôn cao hơn so với các thành phố lớn”, hai nhà nghiên cứu nhận xét. “Mặc dù có một số cách lý giải nhưng hiện tượng này có thể liên quan tới việc thành thị tạo ra một môi trường xã hội tương tác hơn, khích lệ hơn và đa dạng hơn, một mạng lưới hỗ trợ xã hội tốt hơn và cơ sở hạ tầng y tế dễ tiếp cận hơn”.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc