13 binh lính, một dân thường bị thiệt mạng, 60 người bị thương trong cuộc giao tranh kéo dài kể từ ngày 22/4 vừa qua tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia khiến một lần nữa giới quan sát lại phải lo ngại về sự bất ổn ở khu vực này.
Quân đội Thái Lan chuẩn bị tấn công Campuchia ở khu vực biên giới hai nước. (ABC)
Cuộc xung đột mới nhất xung quanh khu vực ngôi đền 900 năm tuổi Preah Vihear, với những trận nã pháo tập trung vào hai ngôi đền khác nằm về phía Tây Priveah, đã bước sang ngày thứ sáu. Cả hai lưc lượng quân đội Thái Lan và Campuchia đều chịu tổn thất. Hơn 60.000 dân làng sinh sống xung quanh khu vực tranh chấp cũng phải đi di tản.
Điều đáng nói là trước cuộc tranh chấp ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu đi, Chính phủ Thái Lan và Campuchia vẫn không tiến hành họp khẩn cấp về vấn đề này mà chỉ hứa hẹn sẽ đối thoại trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng 5/2011.
Đổ lỗi cho nhau
Ngày 27/4, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan và Campuchia đã có cuộc gặp gỡ và cả hai nước đều đổ lỗi lẫn nhau.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ trích Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva là một “tên trộm”, đồng thời cáo buộc Chính phủ Thái Lan về tội khủng bố và lên tiếng kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp.
Phát ngôn viên của Chính phủ Campuchia, ông Phay Siphan, cho biết Campuchia đã bị “xâm lược”.
“Chúng tôi chẳng có một cơ chế nào để lên tiếng vì đây là cuộc ‘xâm lược’ của quân đội Thái Lan. Nếu binh lính Thái Lan muốn ngừng bắn thì họ đã không hành động như vậy. Với tư cách là người dân Campuchia, chúng tôi có quyền tự vệ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình”, ông Phay Siphan nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Karon Snowdon của Đài Úc
Trong khi đó, phía Thái Lan cũng lên tiếng đổ lỗi cho Campuchia. Ông Wattanayagorn, phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan, cho biết: “Chúng tôi đã không tiếp tục hành động nếu như phía Campuchia ngừng bắn trước. Chúng tôi không châm ngòi cho xung đột mà chỉ tự vệ mà thôi”.
Ông Wattanayagorn cũng nói rằng đã có hơn 50 người dân Thái Lan bị thương và khoảng 5 sĩ quan nước này bị thiệt mạng trong cuộc đụng độ.
Đối thoại thay đối đầu?
Campuchia đã chỉ trích Thái Lan về việc trì hoãn cuộc họp do chính Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan đề nghị sau vụ việc trên. Lí do chính mà Thái Lan đưa ra là Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã có kế hoạch công du Trung Quốc từ trước và không thể thay đổi lịch trình làm việc được.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan, ông Wattanayagorn thừa nhận rằng cuộc gặp gỡ song phương là rất cần thiết và cấp bách, đồng thời hứa hẹn sẽ sắp xếp một cuộc gặp gỡ mới với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia “càng sớm càng tốt”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết ông hy vọng sẽ có cuộc gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Thái Lan Abhisit tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 7 và 8/5/2011 tại thủ đô Jakarta, Indonesia.
Mặc dù bày tỏ sự nghi ngờ về việc liệu Thái Lan có đồng ý gặp gỡ vào thời gian tới hay không nhưng người phát ngôn của Chính phủ Campuchia Phay Siphan cũng khẳng định lập trường hòa bình và ngừng bắn lâu dài của quốc gia này.
“Chúng tôi tin rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ được giải quyết bằng việc kí kết một thỏa thuận chung về biên giới thay vì tiến hành các biện pháp mang tính quân sự”, ông Siphan nói.
Tin cho hay kế hoạch mời Indonesia, hiện đang giữ chức Chủ tịch ASEAN, trợ giúp việc giám sát biên giới hai nước đã bị thất bại bởi sự phản đối của binh sĩ Thái Lan. Mặc dù vậy, ông Wattanayagorn cũng cho biết rất có nhiều Cao ủy của Thái Lan sẵn sàng thương thảo với Campuchia.
“Chúng tôi kêu gọi Campuchia quay trở lại bàn đàm phán song phương theo cơ chế của Thái Lan, đồng thời cũng mong muốn Indonesia tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ này. Thái Lan có quan điểm rõ ràng là không muốn có bất cứ chính sách mang tính hiếu chiến nào đối với Campuchia”, ông Wattanayagorn nhấn mạnh.
Thái Lan cho biết thêm kế hoạch gặp gỡ giữa hai nước vào tháng Năm tới theo đề nghị của Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ được thực hiện một cách có điều kiện và Thủ tướng Abhisit sẵn sàng đối thoại nếu Campuchia chấm dứt các hành động bạo lực.
Tranh chấp vì động cơ chính trị?
Cuộc tranh chấp biên giới Thái Lan – Campuchia xung quanh khu vực ngôi đền 900 năm tuổi Preah Vihear đã diễn ra từ hơn nửa thế kỉ qua. Vào năm 1962, Tòa án Công lý Quốc tế thừa nhận ngôi đền này thuộc về Campuchia.
Tiến sĩ Christopher Roberts thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU) cho biết, mục đích của các cuộc tranh chấp giữa hai nước là nhằm củng cố quan điểm về chủ nghĩa dân tộc, nhất là đối với Thái Lan.
Ông nhận định: “Kể từ năm 2008, vấn đề này đã được thổi phồng lên vì các mục đích chính trị nhiều hơn là mục đích bảo vệ chủ quyền lãnh thổ xung quanh ngôi đền Priveah và một số ngôi đền khác trong khu vực”.
Theo bayvut
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!