Theo Liên minh chống Bom chùm (CMC), Đại sứ Thái Lan tại Liên Hợp Quốc đã thừa nhận việc nước này sử dụng bom chùm – loại vũ khí hiện bị cấm trên thế giới, trong các cuộc xung đột với quân đội Campuchia.
![Bom chùm hiện đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới. (ABC) [title]](https://www.tindachieu.org/wp-content/uploads/2011/04/thai-lan-thua-nhan-su-dung-bom-chum-image.jpg)
Bom chùm hiện đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới. (ABC)
Trong cuộc đụng độ với quân đội Campuchia liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền biên giới giữa hai nước vào tháng 2/2011, chính phủ Thái Lan đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc sử dụng bom chùm.
Tuy nhiên, với việc thừa nhận sử dụng bom chùm loại DPICM 155 mm trong một số cuộc xung đột gần đây, theo Đại sứ Thái Lan tại Liên Hợp Quốc, nguyên nhân là do Thái Lan muốn tự vệ trước việc quân đội Campuchia dùng tên lửa hạng nặng để tấn công dân thường ở vùng biên giới giữa hai nước.
Liên minh chống Bom chùm (CMC) cho biết đây là lần đầu tiên loại vũ khí có tầm sát thương trên diện rộng này được sử dụng kể từ khi Công ước Toàn cầu cấm Bom chùm được đưa ra vào năm 2008. Cho đến nay đã có 108 quốc gia tham gia công ước này, trong đó không có Thái Lan và Campuchia.
Trung tâm rà phá bom mìn Campuchia (CMAC) cho biết đã phát hiện ra nhiều bom đạn chưa nổ còn vương vãi trong một số khu vực xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear và một số ngôi làng gần đó.
Phóng viên Liam Cochrane của Đài Úc đã có cuộc phỏng vấn bà Laura Cheeseman – Giám đốc của tổ chức CMC xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa bà, CMC đã đến khảo sát khảo sát quanh khu vực ngôi đền thờ cổ Preah Vihear – nơi xảy ra tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước và đã tìm thấy những gì?
Bà Cheeseman: “Một tổ chức thành viên của CMC đã đến khảo sát hiện trường ở 5 trong số 12 khu vực bị ảnh hưởng và phát hiện ra nhiều bom đạn chưa nổ còn vương vãi. Điều này có thể gây nguy hiểm cho người dân khi họ quay trở về nhà và có thể khiến họ bị thương nặng hoặc thiệt mạng”.
“Ngay sau khi đoàn kiểm tra phát hiện thấy dấu hiệu của việc sử dụng bom chùm, chúng tôi đã lập tức viết thư cho phía Thái Lan đồng thời lên tiếng kêu gọi cả Thái Lan và Campuchia xác nhận vấn đề này và cùng kí kết Công ước Toàn cầu cấm Bom chùm”.
“Bên cạnh đó, một tổ chức thành viên khác của CMC đã tới thăm hỏi những người bị thương bởi bom chùm sau khi các cuộc tranh chấp xảy ra, trong đó có một số người hiện đang nằm viện và đã bị cụt tay”.
PV: Vậy theo bà Thái Lan nên làm gì để giảm thiểu rủi ro cho người dân Campuchia?
Bà Cheeseman: “Trước mắt, chúng tôi muốn Thái Lan công khai thông tin về loại bom sử dụng cũng như những khu vực thả bom để từ đó việc dọn dẹp bãi chiến trường sẽ nhanh chóng được thực hiện. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng cần phải có trách nhiệm tích cực trong việc thu dọn và giúp đỡ người dân Campuchia ở những khu vực xảy ra tranh chấp. Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng Thái Lan và Campuchia sẽ sớm kí kết Công ước Toàn cầu cấm Bom chùm”.
PV: Việc chưa kí kết công ước của Thái Lan và Campuchia có làm giảm sự ràng buộc của các chế tài đối với hai nước trong vấn đề này hay không?
Bà Cheeseman: “Kể cả khi chưa kí kết thì hai nước vẫn có thể thực hiện một số giải pháp nhất định trong việc ngăn ngừa sử dụng bom chùm trong tương lai. Một trong số những việc có thể làm ngay lập tức là hai nước phải rút bỏ số bom vẫn còn trong kho dự trữ để giúp người dân tránh thương vong”.
Theo bayvut
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!