Nguy cơ nội chiến cận kề. Phe đối lập từ chối đối thoại ở Saudi Arabia.
Ngày 13-4, hơn 10.000 sĩ quan và binh sĩ vệ binh cộng hòa, lực lượng đặc nhiệm trung ương và không quân đã đào ngũ. Một toán đại diện đã đến căn cứ sư đoàn thiết giáp số 1 ở thủ đô Sanaa gặp Đại tướng tư lệnh Ali Mohsen al-Ahmar và tuyên bố đầu quân cho phe đối lập.
Quân đội ghè nhau
Tướng Ali Mohsen al-Ahmar lúc giữ chức tư lệnh vùng Tây Bắc (đơn vị quân đội lớn nhất nước) là anh em với Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Ngày 21-3, ông đào ngũ sau sự kiện các binh sĩ bắn vào người biểu tình hôm 18-3 làm 52 người chết. Cùng đào ngũ theo ông có 11 tướng lĩnh.
Sáng 13-4, khoảng 100 binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm trung ương và vệ binh cộng hòa (do con trai và cháu trai của Tổng thống Saleh chỉ huy) còn trung thành với chính phủ đã tấn công một trạm kiểm soát do quân ly khai của tướng Ali Mohsen Al-Ahmar lập gần sân bay Sanaa. Giao chiến diễn ra trong một giờ. Sáu người thiệt mạng.
Thủ tướng lâm thời Ali Mujawar đã kêu gọi các bên hành xử khôn ngoan để tránh đưa đất nước vào tình cảnh hỗn loạn và đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích đảng phái và giáo phái.
Những người biểu tình hoan nghênh binh sĩ đào ngũ sang đầu quân cho phe đối lập tại Sanaa (Yemen) ngày 13-4. Ảnh: GETTY IMAGES
Hiện thời quân ly khai đang kiểm soát 8 km các tuyến đường chính tại thủ đô Sanaa và lập nhiều trạm kiểm soát trên đường dẫn đến sân bay và đài truyền hình quốc gia. Một số đơn vị của sư đoàn thiết giáp số 1 đã được triển khai tại ĐH Sanaa, nơi hàng trăm người biểu tình đòi tổng thống từ chức cắm trại hơn hai tháng qua.
Biểu tình tiếp tục
Theo nhà phân tích chính trị Abdul Ghani al-Iryani người Yemen, quân đội đang chia rẽ và nguy cơ nội chiến chực chờ. Một khi quân ly khai chiếm được các vị trí trọng yếu ở thủ đô như sân bay và đài truyền hình, xung đột sẽ không còn khả năng ngăn chặn.
Trong khi đó, ngày 13-4, biểu tình đã nổ ra trên khắp Yemen. Ở thủ đô Sanaa, hơn 1 triệu người xuống đường kêu gọi Tổng thống Saleh từ chức. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ tháng 1. Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai nhưng không có đụng độ. Ở ngoại ô thủ đô, đụng độ dữ dội đã xảy ra giữa quân ly khai với quân chính phủ.
Tình hình ở TP Aden sôi sục không kém. Lực lượng an ninh đã bắn đạn thật và hơi ngạt vào hàng ngàn người biểu tình. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, thành lớn.
Sự kiện tướng Ali Mohsen Al-Ahmar đào ngũ đã dẫn đến các cuộc thương lượng của liên minh đối lập (gọi là Các đảng Biểu tình phối hợp) và Tổng thống Saleh nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình.
Tuy nhiên, sau khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh giữ vai trò trung gian hòa giải đề nghị Tổng thống Saleh được quyền miễn trừ khởi tố nếu chấp thuận trao quyền lại cho phó tổng thống, phe đối lập đã quyết liệt phản đối.
Đối thoại đổ vỡ?
Theo sáng kiến của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, một cuộc đối thoại giữa chính phủ, đảng cầm quyền Đại hội Nhân dân toàn quốc và phe đối lập Yemen sẽ được tổ chức tại Riyadh (Saudi Arabia) vào tuần tới để dọn đường cho Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức. Tuy nhiên, ngày 14-4, phe đối lập Yemen từ chối dự đàm phán và đòi tổng thống phải ra đi trong hai tuần. Dự kiến cuộc đối thoại sẽ bàn các giải pháp theo quan điểm:
– Giải pháp nào đi nữa cũng phải duy trì được đoàn kết, an ninh và ổn định cho Yemen.
– Các thỏa thuận phải đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân Yemen về cải cách và thay đổi.
– Chuyển giao quyền lực phải diễn ra trong hòa bình, an toàn với sự đồng thuận toàn dân, tránh để Yemen rơi vào tình trạng vô chính phủ và bạo lực.
– Tất cả đảng phái phải triệt để gác mọi yếu tố chính trị có thể dẫn đến căng thẳng.
– Tất cả đảng phái phải cam kết ngừng mọi hình thức trả đũa và truy tố.
Phần chính phủ Yemen cần làm bao gồm: Tổng thống Ali Abdullah Saleh tuyên bố chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống; thành lập chính phủ liên hiệp dưới sự chủ trì của phe đối lập và có quyền lập ra các ủy ban và hội đồng đặc biệt để điều hành chính trị, quân đội, kinh tế, soạn thảo hiến pháp, tổ chức bầu cử.
Ngày 13-4, tại TP Aleppo của Syria đã xảy ra cuộc biểu tình đầu tiên phản đối Tổng thống Bashar al-Assad. Tại làng chài Bayda, gần 2.000 phụ nữ đã phong tỏa tuyến đường huyết mạch đi qua làng chài để đòi trả tự do cho chồng con. Ở TP Aleppo, gần 500 sinh viên ĐH Aleppo cũng biểu tình.
Aleppo là thành phố trọng yếu gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có sẵn truyền thống chống đối chính phủ. Nếu biểu tình của các sinh viên ở TP Aleppo bị trấn áp thì cánh chị em ở làng chài Bayda lại giành được thắng lợi. Chính quyền đã trả tự do cho khoảng 100 người bị bắt giữ trong những ngày trước. |
THIÊN ÂN – ĐỨC LONG
(Theo THX, SabaNews, NYT, Yemen News, Reuters, phapluat)
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!