Thái Lan, Philippines, Malaysia đang là những điểm nóng của nạn buôn người, vận chuyển ma túy và các chuyên gia quốc tế cho rằng cần tăng cường hợp tác đa phương để giải quyết triệt để vấn nạn này.
![Nạn buôn bán phụ nữ là một trong những vấn nạn nhức nhối ở Châu Á. (ABC) [title]](https://www.tindachieu.org/wp-content/uploads/2011/04/ho-p-ta-c-chong-na-n-buon-nguoi-ta-i-ong-nam-a-image.jpg)
Nạn buôn bán phụ nữ là một trong những vấn nạn nhức nhối ở Châu Á. (ABC)
Các điểm nóng tại Châu Á
Theo bà Jean Enriquez – Giám đốc điều hành Liên minh Phòng chống Buôn bán Phụ nữ ở Châu Á-Thái Bình Dương, Thái Lan và Philippines là những điểm nóng của nạn buôn người từ trước đến nay.
Thái Lan là nơi trung chuyển người bất hợp pháp sang những đất nước giàu có hơn trong khu vực, trong đó có Nhật Bản và Úc. Đồng thời Thái Lan cũng là điểm đến của các nạn nhân từ những quốc gia Đông Nam Á nghèo hơn.
Còn Philippines vừa là đầu nguồn của nạn buôn người vừa là điểm đến của các phụ nữ Trung Quốc hay thậm chí là cả Brazil.
Bà Enriquez cho biết Liên minh Phòng chống Buôn bán Phụ nữ ở Châu Á – Thái Bình Dương đã tiếp xúc và giúp đỡ rất nhiều nạn nhân là phụ nữ Philippines, Thái Lan và một số quốc gia Châu Á. Họ bị bán sang Malaysia, vốn là trung tâm đầu não của các đường dây buôn người. Tại đây họ bị ép buộc trở thành lao động tình dục trong các nhà thổ cũng như vận chuyển ma túy đến một số khu vực gần sông Mekong.
Một vấn đề khiến chính phủ Thái Lan và Philippines đặc biệt quan ngại là sự gia tăng số lượng các nạn nhân và sau đó họ trở thành mắt xích trong các đường dây vận chuyển ma túy. Vấn đề này đặc biệt nổi cộm trong tháng 3/2011 khi ba công dân Philippines đã bị Trung Quốc kết tội vận chuyển ma túy vào nước này và bị tử hình.
Theo bà Enriquez, vận chuyển ma túy không phải là vấn đề mới nhưng sau một số vụ việc nổi cộm xảy ra thì nó ngày càng thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Giải quyết triệt để nạn buôn người
Chính phủ Thái Lan và Philippines đã kí kết một thỏa thuận chung trong việc hợp tác phòng chống buôn người và ma túy nhằm giải quyết triệt để vấn nạn này.
Thỏa thuận được kí kết trong một cuộc họp đặc biệt giữa ngoại trưởng các nước thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra vào đầu tháng Tư vừa qua.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết sẽ hợp tác với Thái Lan nhằm tăng cường sự hiểu biết toàn diện thông qua các hiệp định sẵn có về vấn đề này của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Cảnh sát chống Tội phạm Quốc tế (Interpol) và khối ASEAN.
Tuy nhiên, bà Enriquez cho rằng mặc dù đây là một tín hiệu tốt nhưng trong bối cảnh loại hình tội phạm này ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động thì các nước cung cấp người và các nước điểm đến nạn buôn người cần tăng cường đối thoại với nhau hơn nữa.
“Chúng tôi rất mong muốn Philippines sẽ thúc đẩy hợp tác với một số quốc gia là điểm đến của đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em Philippines như Malaysia, Singapore và Nhật Bản. Cho tới nay, các nước này vẫn chưa thực sự linh hoạt và đẩy mạnh việc giúp đỡ các nạn nhân”, bà Enriquez bày tỏ.
Trong năm 2010, chính phủ Philippines không ngừng gia tăng nỗ lực để giải quyết loại hình tội phạm này. Bộ Ngoại giao Mỹ đã xếp Philippines vào nhóm thấp nhất trong danh sách các nước cần theo dõi về nạn buôn người (nhóm ‘Hạng 3’).
Cho đến đầu tháng 4/2011, Phillippines đã được Liên Hợp Quốc gia tăng vị trí trong bảng xếp hạng vì đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống buôn người.
Bên cạnh đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hiện cũng đang tích cực siết chặt các quy định pháp lí về quyền của người lao động ở từng quốc gia riêng biệt.
Theo ông Max Tunon, chuyên viên của ILO ở Bangkok, cả Thái Lan lẫn Philippines đều có những điều luật nghiêm minh về phòng, chống buôn người. Tuy nhiên, chúng cần được áp dụng nhiều hơn nữa vào thực tiễn cũng như cần được đưa vào lĩnh vực giáo dục để có thể phát huy tính hiệu quả.
Ngoài ra, ông Tunon cho rằng bất cứ một giải pháp nào trong bối cảnh hiện nay cũng cần đi liền với yếu tố hợp tác đa phương. “Điều này đặc biệt quan trọng khi nói đến những thách thức trong lĩnh vực nhập khẩu lao động bởi các giải pháp mang tính đơn phương đều khó có thể đem lại hiệu quả”.
Phòng, chống nạn buôn người tại Việt Nam
Nạn buôn người ở Việt Nam, đặc biệt là buôn người sang Trung Quốc, cũng là một trong những vấn đề nhức nhối tại nước này.
Năm 2010, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam vào danh sách cần theo dõi và đưa ra một số khuyến cáo cho chính phủ Việt Nam về nạn buôn bán lao động.
Trước tình hình đó, vào ngày 15/9/2010, Việt Nam và Trung Quốc đã kí kết Hiệp định về Phòng, chống buôn bán người với mục tiêu tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm hình sự, buôn bán phụ nữ, trẻ em, khủng bố, buôn ma túy, kiểm soát, quản lý xuất nhập cảnh nhằm kiềm chế tình trạng gia tăng tội phạm vượt biên trái phép.
Đến ngày 31/3/2011 vừa qua, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người. Đây là luật tổng quát đầu tiên của Việt Nam về vấn đề này và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Trước đây, Điều 119 và 120 của Bộ Luật Hình sự chỉ giới hạn trong phạm vi buôn bán phụ nữ và trẻ em để trở thành lao động tình dục.
Theo bayvut
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!