Các nhà khoa học Nhật Bản tin rằng họ đang tiến gần tới mục tiêu cấy thành công mắt nhân tạo từ tế bào gốc ở người.
![Hố mắt được cấy từ tế bào gốc. (AFP: Riken CDB/M Eiraku and Y Sasai) [title]](https://www.tindachieu.org/wp-content/uploads/2011/04/cay-mat-nhan-tao-tu-te-bao-goc-image.jpg)
Hố mắt được cấy từ tế bào gốc. (AFP: Riken CDB/M Eiraku and Y Sasai)
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí ‘Nature’ số ra ngày 7/4/2011 giải thích quy trình cấy mắt chuột từ tế bào gốc. Các nhà nghiên cứu hi vọng rằng thành công này sẽ là chìa khóa cho phương pháp điều trị các chứng mù lòa ở người.
Giáo sư Andrew Elefanty, hiện đang công tác tại Phòng thí nghiệm Tế bào gốc và Miễn dịch học thuộc Đại học Monash (Úc), cho biết các nhà khoa học đã lấy tế bào gốc phôi từ chuột và cấy một cấu trúc tương đối giống với mắt trong giai đoạn mới hình thành.
“Đây có lẽ là lần đầu tiên cấu trúc mắt phức tạp được cấy thành công. Điều đặc biệt thú vị ở đây xuất phát từ quan điểm của nghiên cứu này. Nhìn chung, mọi người đều nghĩ rằng cấy những cấu trúc phức tạp như thế trong các đĩa cấy tế bào đòi hỏi nhiều công đoạn hơn so với việc có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm,” Giáo sư Andrew Elefanty nói.
Giáo sư Elefanty cho rằng điều đó phần nào làm cho người ta thấy ngạc nhiên và thú vị trước kết quả nghiên cứu. Điều đáng quan tâm ở đây là các nhà khoa học sử dụng tế bào gốc phôi chuột để cấy mắt và họ có thể thúc đẩy một số thành phần cấu tạo đồng thời phát triển đúng cách như quá trình phát triển tự nhiên.
Bước tiến quan trọng trong điều trị bệnh mù lòa
Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu đã phát triển thành công cơ và sụn thần kinh đơn giản từ tế bào gốc lấy trong phôi thai.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một nhóm nghiên cứu Nhật Bản tạo ra một cấu trúc sinh học cực kỳ phức tạp: võng mạc mắt.
Võng mạc chứa một nhóm tế bào tạo thành một đường ở đáy mắt, giúp con người có thể nhìn và quan sát sự vật xung quang.
Trong nhiều bệnh lý rối loạn thị lực, nguyên nhân là do các tế bào võng mạc bị tổn thương.
Giáo sư Elefanty cho biết các nhà khoa học hi vọng những thành công với tế bào gốc ở chuột có thể sẽ được đưa vào ứng dụng với tế bào gốc của người.
“Mặc dù chuột và người gần như hoàn toàn khác biệt, hai loài này trên thực tế vẫn có nhiều điểm tương đồng trong quá trình phát triển,” Giáo sư ông Elefanty nói. “Hơn nữa, nghiên cứu này là bước khởi đầu có thể dẫn đến khả năng cấy và nghiên cứu các lớp dây thần kinh phức tạp trong cấu tạo mắt. Tiếp đó, các nhà khoa học hi vọng việc cấy tế bào đã được khởi xướng sẽ tạo ra những cấu trúc thần kinh phức tạp tương tự trong mắt người. Kết quả này sẽ giúp khoa học có thể nghiên cứu và hiểu rõ các chứng bệnh về mắt, nhờ đó đưa ra những phương pháp điều trị mới”.
Theo Giáo sư Andrew Elefanty, các nhà nghiên cứ đã tiến gần thêm một bước tới ‘chén thánh’.
“Hi vọng cuối cùng là các nhà nghiên cứu có thể tạo ra một số bộ phận trong mắt người ngay trong phòng thí nghiệm và chúng có thể được ứng dụng như phương pháp điều trị tế bào dành cho bệnh nhân mắc các chứng mù lòa khác nhau.Chặng đường còn rất xa phía trước nhưng đây là một bước khởi đầu tuyệt vời,” Giáo sư Elefanty nhận định.
Theo bayvut
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!