Home » Thế giới » Bờ biển Ngà: chính trị bất ổn, hàng trăm người bị thảm sát

Lực lượng nổi dậy tại Bờ biển Ngà – một quốc gia Tây Phi, đã bị cáo buộc có liên quan đến vụ thảm sát hàng trăm thường dân nơi đây. Trong khi đó, quân đội Pháp đã vào cuộc và nắm quyền kiểm soát sân bay Abidjan cũng như điều động thêm lực lượng nhằm ngăn chặn các cuộc giao tranh.

[title]

Một tay súng thuộc lực lượng ủng hộ Tổng thống Ouattara dạo trên một con phố thuộc thành phố Abidjan. (AFP)

Khủng hoảng chính trị

Kể từ sau cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2011 và ông Alassane Ouattara tuyên bố thắng cử thì đại diện đảng đối lập là ông Gbagbo vẫn không chấp nhận kết quả này và tiếp tục tiến hành các cuộc phản kháng nhằm chống lại chính phủ của ông Ouattara.

Trong khi cuộc khủng hoảng chính trị tại Bờ biển Ngà vẫn chưa đi tới hồi kết thì các cuộc bạo loạn cũng như cướp bóc ngay tại thành phố trung tâm Abidjan liên tục xảy ra.

Thảm sát tại Abidjan

Tại thành phố Abidjan, trong bốn ngày vừa qua, các cuộc tấn công quyết liệt nhằm vào thường dân của lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Ouattara dưới sự dẫn dắt của ông Gbagbo đã diễn ra liên tục. Mục tiêu của các cuộc giao tranh giữa các phe đối lập là nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Abidjan. Điều này đã khiến cho rất ít người dân có đủ dũng khí dám liều lĩnh đi lại trên đường phố. Đó là những người trong hoàn cảnh tuyệt vọng, đói khát và đi tìm kiếm đồ ăn, thức uống. Họ đi trên phố với hai cánh tay giơ trên không trung đầu hàng trong bối cảnh lực lượng quân đội thuộc hai phe đối lập phủ khắp thành phố.

Hiện giờ vẫn chưa có con số thương vong chính thức được đưa ra, tuy nhiên các cơ quan cứu trợ cho rằng nó có thể lên tới một ngàn người.

Theo Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC), đã có ít nhất có hơn 800 thi thể được tìm thấy sau một đợt giao tranh dữ dội tại thị trấn Duekoue thuộc phía Tây thành phố Abidjan.

“Chắc chắn đã xảy ra chuyện gì đó với quy mô lớn tại thành phố này, mà hiện nay ICRC vẫn đang tiến hành thu thập thông tin”, bà Dorothea Krimitsas, phát ngôn viên của ICRC tại Geneva, cho biết.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã có cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Bờ biển Ngà – ông Alassane Ouattara, để yêu cầu nước này tiến hành điều tra vụ thảm sát. Bên cạnh đó, ông Ouattara cũng được yêu cầu cần có hành động đối với những người ủng hộ ông vốn được cho là có liên quan tới cái chết của hơn 800 người dân nước này.

Quốc tế vào cuộc

Mới đây, quân đội Pháp đã chính thức vào cuộc và giành quyền kiểm soát sân bay chính của thành phố Abidjan để đảm bảo an ninh cho người dân cũng như các chuyến bay quân sự. Ngoài ra, quân đội Pháp cũng đã điều chuyển hơn 1.500 người ngoại quốc tới một doanh trại quân đội bên ngoài thành phố để tránh các cuộc giao tranh và hơn 160 người nước ngoài khác đã rời Bờ Biển Ngà trên các chuyến bay đặc biệt.

Liên Hiệp Quốc cũng đã có hành động sau khi xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào trụ sở Liên Hiệp Quốc tại nước này trong nhiều tuần khiến cho 200 nhân viên phải đi sơ tán ra khỏi thành phố Abidjan. Bên cạnh đó, Liên Hiệp Quốc cũng đã đưa ra cảnh báo chính thức đối với ông Gbagbo rằng ông này có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế do liên quan tới các cuộc tấn công nhằm vào dân thường kể từ cuộc bầu cử vào tháng 11/2010.

Tuy vậy, tình trạng coi thường luật pháp vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng ngày càng xấu đi. Các nhân viên Liên Hiệp Quốc cũng như đội cứu trợ đều cho rằng tình trạng cướp bóc ở đất nước này ngày càng lan rộng và đã có rất nhiều báo cáo về việc tống tiền, bắt cóc hay đối xử tàn bạo đối với người dân nơi đây.

Bên ngoài thành phố, các nhân viên cứu trợ cho biết họ vẫn đang tiến hành chữa trị vết thương cho các bệnh nhân mới bị trúng đạn.

Đối với người dân thành phố Abidjan, mối quan tâm hàng đầu hiện giờ của họ là bảo toàn tính mạng. Một số người đã tìm cách chạy sang nước láng giềng Liberia để lánh nạn, trong số đó có nhiều trẻ em bị li tán gia đình.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc