Hiện nay việc khai thác nguồn năng lượng hạt nhân để đáp ứng cho nhu cầu năng lượng ngày càng cao tại các nước Đông Nam Á đang trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguy cơ hạt nhân tại Nhật Bản vẫn chưa đến hồi kết, các nước này phải cân nhắc lại dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân của mình.
![Nhiều nước Đông Nam Á đang xem xét lại việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. (Reuters: Michael Dalder, file photo) [title]](https://www.tindachieu.org/wp-content/uploads/2011/03/cac-nuoc-ong-nam-a-can-nhac-lai-du-an-hat-nhan-image.jpg)
Nhiều nước Đông Nam Á đang xem xét lại việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. (Reuters: Michael Dalder, file photo)
Phản ứng của các nước Đông Nam Á
Trước nhu cầu sử dụng điện đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới và yêu cầu của quốc tế về việc cắt giảm lượng Carbon thải ra, nhiều nước Đông Nam Á đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân và xem đây là một trong những giải pháp để thay thế cho nguồn nhiên liệu dầu mỏ và than đang ngày càng cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, chủ tịch ASEAN cho biết thảm họa hạt nhân tại Nhật sẽ ít nhiều làm cho các nước Đông Nam Á nghiên cứu lại các kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại nước mình.
Từ trước đến nay, Trung quốc và Ấn Độ luôn là 2 nước có nhu cầu năng lượng cao nhất tại Châu Á nên không có gì khó hiểu khi Trung Quốc dự tính xây dựng thêm 25 nhà máy điện hạt nhân bên cạnh 13 nhà máy đang vận hành.
Thế nhưng, sau tai nạn hạt nhân tại Fukushima, Trung Quốc đã ra quyết định tạm đình chỉ kế hoạch xây dựng thêm nhà máy hạt nhân mặc dù trước đó không lâu, vào ngày 13/3 tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, nước này vừa ra thông báo về kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân. Cụ thể Trung Quốc đã lên kế hoạch tăng năng suất các nhà máy hạt nhân của mình lên 40GW, tức gấp 4 lần năng suất hiện nay.
Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, các nước khác trong khu vực, bao gồm Indonesia, Phillipines, Malaysia và Việt Nam, đã có những dự án xây dựng nhà máy hạt nhân.
Việt Nam hiện đã chấp thuận kế hoạch xây dựng 2 nhà máy hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận. Trong khi đó, Indonesia, Phillipines và Malaysia vẫn không giảm sự quan tâm đối với nguồn năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết tai nạn tại khu phức hợp Fukushima sẽ có ảnh hưởng về mặt tâm lý đến các thành viên ASEAN. Theo ông Surin, các nước vẫn tiếp tục tìm hiểu các phương án xây dựng nhà máy hạt nhân nhưng sẽ thực hiện với sự thận trọng hơn.
Đặc biệt, thảm họa hạt nhân tại Nhật làm dấy lên mối lo ngại về tính an toàn và ảnh hưởng của nhà máy hạt nhân đối với môi trường, đặc biệt là tại các nước thường xuyên xảy ra động đất như Indonesia. Bên cạnh đó là mối quan tâm về khả năng của những nước này trong việc xây dựng nhà máy hạt nhân.
Ý kiến chuyên gia
Phóng viên Đài Úc Manny Maung đã có cuộc phỏng vấn hai chuyên gia về năng lượng hạt nhân và châu Á.
Theo Giáo sư Andrew O’Neill, chuyên ngành hạt nhân, Giám đốc Học viện Châu Á thuộc Đại học Griffith, bang Queensland, Úc, dù các nước vẫn duy trì dự án hạt nhân thì họ cũng phải mất một thời gian lâu để cho ra thành phẩm.
“Nếu theo đúng bài bản và trình tự, việc xây dựng nhà máy hạt nhân trải qua rất nhiều giai đoạn: bắt đầu bằng việc lên kế hoạch, trải qua giai đoạn giới thiệu đến giai đoạn xây dựng nhà máy rồi mới tiến hành sản xuất. Thế nên Mỹ vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng thêm nhà máy hạt nhân kể từ sau tai nạn hạt nhân tại Đảo Ba Dặm (Three Mile Island) năm 1979. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam và Indonesia việc phát triển nguồn năng lượng hạt nhân là nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cấp thiết. Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc này, người ta cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ càng,” Giáo sư Andrew O’Neill nói.
Giáo sư cũng cho biết dù các nước này nhận thức rõ về sự phức tạp của công nghệ kỹ thuật trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân, mối lo ngại chính vẫn là tính an toàn.
Rõ ràng các nước đang phát triển sẽ gặp khó khăn trong việc học hỏi và tiếp thu kiến thức khoa học liên quan đến những quy định an toàn nhằm đảm bảo tiêu chuẩn trong vấn đề xây dựng và phát triển nhà máy hạt nhân. Đối với một nước nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của núi lửa và động đất như Indonesia thì điều này càng phải được xem xét kỹ hơn.
Ông Simon Tay, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Singapore khuyến cáo rằng các nước nên tạm ngừng việc xây dựng nhà máy hạt nhân và cân nhắc ảnh hưởng của các nhà máy về mặt lâu dài.
Ông Simon cho biết: “Các nước không nên vội vàng trong vấn đề hạt nhân. Chỉ cần thiếu những nghiên cứu và quy định về an toàn thì có thể dẫn đến những hậu quả không lường”.
Theo nhận định của ông, trong tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đương nhiên chính phủ phải là người chịu trách nhiệm. Tuy nhiên vừa qua chính phủ Nhật chưa có những cuộc đối thoại công khai hay thông tin rõ ràng cho người dân hiểu rõ tình hình.
Ông Simon Tay cho biết thêm ngay cả trước và sau khi tai nạn hạt nhân xảy ra nhiều thông tin về nhà máy này là những thông tin chỉ nằm trong nội bộ chính quyền. Ông cho rằng việc người dân biết rõ thông tin là điều cũng rất quan trọng.
Theo bayvut
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!