Home » Tiêu Điểm » Vàng vào túi ai?

Trăn trở trước câu hỏi: “Ngồi trên núi vàng, sao Việt Nam vẫn nghèo”, bạn đọc Tuần Việt Nam đã gửi hàng trăm ý kiến trao đổi, tìm cách lí giải và tìm lời giải cho bài toán phát triển Việt Nam.

Gánh vàng đi đổ sông Ngô

Câu chuyện Việt Nam ngồi trên núi vàng mà vẫn nghèo khiến bạn đọc Lê Thành Dũng nhớ tớ câu chuyện những người thổ dân châu Mỹ xa xưa. “Nghe đâu có một số thổ dân bản xứ ở châu Mỹ xưa sống trên những mỏ kim cương lộ thiên, trẻ nhỏ nhặt hạt kim cương chơi trò đánh bi, mà họ không biết rằng mình giàu – vì họ không biết giá trị của kim cương”.

Hơn nữa, như bạn Tony (sangled…@yahoo.com) phân tích, có ngồi trên đống vàng đó chỉ là những thuận lợi đơn thuần về mặt tài nguyên mà thôi. Vấn đề là ai sẽ khai thác và khai thác ra sao.

Không ý thức được giá trị của những tài nguyên (cả nhân lực và vật lực) sẵn có, chúng ta sử dụng nó một cách tùy tiện, được chăng hay chớ.

Bạn Trần Tấn Lại (tanlait…@gmail.com) ví von, việc khai thác “núi vàng” tài nguyên quốc gia cũng giống như tư duy thông thường của người Việt khi có tiền. Họ sẽ dùng để chi tiêu, để mua cái này mua cái kia, không phải cho phát triển lâu dài, mà để “cho hơn nhà hàng xóm”.

Như việc lên kế hoạch 10 năm tới phát triển 39 cảng biển xuất phát từ cách làm “kinh bang, tế thế” theo kiểu: 2 lần 5 là 10. Nghĩa là, họ tính: một cảng biển trong một năm đóng góp 10% vào GDP; do vậy, nếu có 200 cảng biển sẽ đóng góp vào GDP tới…2000%, bạn Dũng viết.

Làm kinh tế theo lối “cào tài nguyên” thô đem bán, không qua tinh chế là một minh chứng rõ ràng có thể thấy ở khắp nơi. Nhiều bạn đọc gọi đây là cách làm kinh tế “gặt lúa non”. Tài nguyên vì thế chỉ cạn kiệt đi, bao nhiêu cũng thiếu.

Vẫn biết cần phải xác định ưu tiên, ngành nào làm đầu tàu, công việc nào, dự án nào cần được làm trước, làm hoàn chỉnh… thế nhưng, thực hành lại khác. Bạn Nguyễn Phước (phuocm…@hcm.vnn.vn) phân tích, do thói quen “dĩ hòa vi quý”, lại thêm sợ đụng chạm ảnh hưởng đến chiếc ghế, nên ta đầu tư dàn trải, nói cách khác là dàn hàng ngang cùng đi.

Bạn Hoàng Hải chỉ rõ, sự phát triển của Việt Nam “không có qui hoạch, hoặc nếu có thì qui hoạch manh mún, dễ dàng điều chỉnh theo lợi ích riêng nào đó, mạnh ai ấy làm bất chấp qui luật”….

Thế nên mới có chuyện “tỉnh anh có cái gì thì tỉnh tôi cũng phải có cái đó. Trong tỉnh, thì ngành anh được thì ngành tôi cũng phải được rót tiền tương đương”, bạn Phước viết.

Theo bạn Phước, cách đầu tư dàn hàng ngang cốt sao huề cả làng, cả nhà cùng vui này làm tiểu tổng thể từng địa phương tàng tàng như nhau. Trong tổng thể các vùng miền, ở trung ương và trên cả nước cũng không khác biệt bao nhiêu.

Dàn hàng ngang đi diễu hành thì nhìn đẹp, nhưng đi đều bước trong phát triển muôn mặt với từng đặc thù của từng địa phương… lại khiến quốc gia bị trả giá.

Bạn Hoàng Hải lí giải nguồn cơn chính của sự phát triển lệch lạc này chính là: bệnh Dự án, gắn với nó là tham nhũng, là chạy dự án, xin dự án…

Hệ quả tất yếu là Việt Nam không khai thác được “những núi vàng” tiềm năng sẵn có của mình. Thực tế đáng lo hơn là chúng ta khai thác vàng quốc gia cho kẻ khác hưởng lợi, theo kiểu “gánh vàng đi đổ sông Ngô”. Tài nguyên cứ chạy sang nước bạn, để bạn dùng hộ, cất hộ. Và rồi rất có thể một ngày đẹp trời nào đó trong tương lai, mình lại phải sang bạn đi mua với giá cao gấp nhiều lần… Câu chuyện với ngành than là một cảnh báo rõ ràng.

Nhặt của chung bỏ túi riêng

Tâm lý nhặt vàng quốc gia bỏ túi riêng mình cũng là vấn đề khiến bạn đọc băn khoăn và được xem là căn nguyên của sự phát đạt của vài người trên lưng sự nghèo đói của quốc gia.

Như bạn Huy Phan đặt câu hỏi, vấn đề là “nguồn lực vào tay ai?” Bạn đọc chỉ ra thực tế, trong khi đại bộ phận dân chúng vẫn nghèo, thì lại có không ít người giàu lên nhanh chóng như có phép màu, tiêu tiền không tiếc tay…

Nếu không có cái nhìn vì cộng đồng, vì dân tộc, vì con cháu mai sau dễ dẫn đến thực trạng “có gì ăn nấy, có gì xài nấy… còn đâu tài nguyên, của cải quốc gia”, bạn Trương Khả Ân cảnh báo.

Bạn Ân đơn cử câu chuyện sử dụng đất đai ở Việt Nam. Có bao nhiêu đất chia lô bán hết, có nhà quản lý nào nghĩ đến cái chung nhỏ nhất là một mảnh sân chơi cho trẻ em vui đùa, cho người già ngắm cảnh?

Thực trạng đáng buồn là các nhà hàng, khách sạn, resort, casino đua nhau mọc cao ngất ngưởng, sang trọng, bề thế, trong khi trường học cho trẻ em, bệnh viện cho người nghèo thì lôi thôi, lếch thếch, đụng đâu cũng thiếu….

“Nghèo của Việt Nam là nghèo của dân, còn giàu thì của các đại gia lợi dụng thời cơ đục nước béo cò“, bạn Ân chua chát.

Cán bộ là gốc

Vấn đề đặt ra cấp thiết lúc này, theo bạn đọc, là Việt Nam cần tìm chìa khóa vàng để mở và khai thác cho được “kho vàng quốc gia” sẵn có. Như câu chuyện cổ, khi đọc đúng câu thần chú “Vừng ơi, mở ra” thì kho báu mở, còn kê ơi, bắp ơi, đủ thứ ơi mở ra thì kho vẫn đóng, vàng vẫn im ỉm khóa, đất nước vẫn nghèo.

Vấn đề cốt lõi cho sự phát triển của một dân tộc một đất nước chính là chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia, từ người lao động đến lãnh đạo có đủ tầm nhìn, hiểu biết và quyết tâm vì mục tiêu chung của quốc gia, dân tộc, bạn Tony phân tích.

“Chúng ta muốn phát triển tốt như Malaysia, Singapore thì cần phải có những chiến lược vĩ mô thật đúng đắn. Những chiến lược phát triển thông minh được đưa ra bởi những người lãnh đạo tầm vĩ mô, vì thế bắt buộc người lãnh đạo phải thực sự tài giỏi, có được một bộ máy, các cố vấn là những người tài giỏi”, bạn Phạm Sơn (thuyp…@yahoo.com) viết.

Bởi như nhiều bạn đọc đã chỉ ra, việc trả lời câu hỏi “ngồi trên núi vàng, sao Việt Nam vẫn nghèo”, trước hết và trên hết thuộc trách nhiệm của những nhà lãnh đạo, bởi tinh thần và ý chí của dân tộc này đã được kiểm chứng trong lịch sử.

Ngày xưa Việt Nam có Cụ Hồ Chí Minh kiệt xuất đã hoạch định chiến lược và vẽ ra con đường riêng đưa Việt Nam giành độc lập, tự do. Ngày nay Việt Nam cần những nhà hoạch định chiến lược, những nhà tổ chức có Tài, có Tầm; cần đội ngũ chuyên gia giỏi để để dẫn dắt Việt Nam phát huy được những tiềm năng có sẵn trở thành nước giàu mạnh, bạn Nguyễn Quốc Đạt nói thêm.

Đồng tình, bạn Đức Hải lưu ý, Việt Nam ta cần học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển: Có chính sách thu hút nhân tài thật tốt.

“Trách nhiệm của những người có trọng trách cần phải rõ ràng, trả lương cao đánh giá đúng chất xám họ bỏ ra nhưng cũng ràng buộc trách nhiệm lớn… Khi vi phạm phải xử lý nghiêm không bao che giữa công với tội hoặc hạ cánh an toàn là nghỉ hưu”.

Bạn Trần Mã Lực (tranmaluc…[email protected]) nhấn mạnh, phải quyết liệt sàng lọc yếu tố con người, tổ chức lại bộ máy phân quyền cụ thể hơn và làm việc theo pháp luật. Cùng với nó là minh bạch các vấn đề quản lý, thu chi, làm ăn… của các cơ quan nhà nước, bởi bản thân sự minh bạch sẽ loại trừ nhiều thứ xấu, mà ta không phải tốn nhiều công sức, tiền của để triệt tiêu nó.

“Cán bộ là gốc của sự thành công. Đó phải là những người có tâm, có tầm, có đức, có tài, phải tâm huyết với đất nước; phải lo lắng cho vận mệnh của dân tộc”, bạn Nguyễn Mạnh (nguyenngocmanh…@yahoo.com) phân tích.

“Các nhà lãnh đạo phải trả lời thay cho dân câu hỏi ấy. Khi họ có trả lời được thì mới đưa dân tộc đi lên được, bạn Nghi Mộc (ntnm…@yahoo.com viết).

Theo Anh Phương (tổng hợp)

tuanvietnam


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc