
Zhang Yuhui chụp ảnh cùng với các con trước khi anh bị bỏ tù ở Trung Quốc vì làm trang web The Epoch Times. (The Epoch Times)
Sau khi trải qua 10 năm qua trong cuộc đời trong một nhà tù ở Trung Quốc, Zhang Yuhui theo dự kiến phải được trả tự do vào ngày 21 tháng 12. Người cựu tổng biên tập của chi nhánh The Epoch Times tại Trung Quốc đã bị kết án 10 năm tù giam vì vai trò của anh với phiên bản tiếng Trung không bị kiểm duyệt của tờ báo này.
Một tấm ảnh của anh Zhang, một lá thư gửi cho vợ anh, và một bức thư gửi cho Quốc hội Mỹ, được chuyển ra khỏi tù bởi những tù nhân bị giam cùng vào năm 2004, nằm trong số một vài tài liệu về cuộc sống của anh có được trong thập kỷ qua. Không thể liên lạc được với thế giới bên ngoài hay với vợ và hai con mình, không rõ tình trạng hiện nay của anh ra sao. Được biết là anh đã bị chính quyền Trung Quốc tra tấn trong những năm đầu anh bị bắt giam.
Các cú điện thoại gọi đến nhà tù Shi Hui ở tỉnh Quảng Đông, nơi anh Zhang đang bị giam giữ, không được hồi đáp tính đến thời điểm đăng bài báo này.
Huang Kui, một kỹ sư hiện đang sống ở Illinois, nằm trong số 10 nhân viên của The Epoch Times bị bắt cùng với anh Zhang vào năm 2000. Anh đã làm việc với anh Zhang trước khi bị bắt và bị đưa đến cùng một nhà tù, nơi anh đã bị giam giữ trong 5 năm.
Anh Huang tập Pháp Luân Công, một môn tập thiền Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc đạo đức Chân, Thiện và Nhẫn. Môn tập này đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc cấm vào năm 1999, ngay sau khi một cuộc điều tra của nhà nước ước tính rằng có ít nhất 70 triệu người đang tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Anh là một nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, được mệnh danh là “MIT của Trung Quốc”, nhưng đã bị treo vào năm 2000 vì tín ngưỡng của anh. Không lâu sau đó, anh đã được nghe rằng có người đang khởi lập một tờ báo trực tuyến có tên là The Epoch Times, hay “Đại Kỷ nguyên” trong tiếng Trung.
“Trang web này sẽ đem đến tin tức không bị kiểm duyệt cho mọi người, đặc biệt là người Trung Quốc, bởi vì người Trung Quốc không được truy cập các tin tức tự do,” anh Huang nói qua điện thoại từ Illinois tuần này.
Vào tháng 9 năm 2000, anh gia nhập nhóm tại Bắc Kinh của tờ báo này và làm về phần tin quốc tế. Sau đó, anh chuyển đến thành phố Zhu Hai ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, nơi anh đã gặp anh Zhang, tổng biên tập của chi nhánh tại Trung Quốc.
Vào tháng 12 năm 2000, trong khi họ đang làm trang web tin tức này, thì có một tiếng gõ cửa nhẹ.
“Khi tôi mở cửa, có trên 10 cảnh sát đang đứng đó,” anh Huang nhớ lại.

Zhang Yuhui, tổng biên tập của The Epoch Times ở Trung Quốc, đã bị cầm tù từ tháng 12 năm 2000. (The Epoch Times)
Cảnh sát đã khám nhà trong vài tiếng đồng hồ, tịch thu các máy tính của họ, và bắt giữ 8 nhân viên của Epoch Times. Một người nữa đã bị bắt ngay sau đó, và anh Zhang đã bị bắt trong vòng 2 ngày trong khi đang cố gắng trốn khỏi thành phố.
Tổng cộng, hơn 30 nhân viên của Epoch Times đã bị bắt ở Trung Quốc vào tháng 12 năm 2000.
Tự do báo chí
Trạng thái độc quyền của báo chí ở Trung Quốc không phải là một điều bí mật. Trên thang điểm tự do báo chí, Trung Quốc đứng thứ 168 trên tổng số 175 theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới vào năm 2009 – đặt nước này chỉ cách nước tệ hại nhất trên thế giới 7 vị trí về phương diện này.
Liên đoàn Nhà báo Quốc tế cũng lưu giữ một danh sách các trường hợp vi phạm báo chí ở Trung Quốc. Bản tin tháng 6 năm 2010 của tổ chức này bao gồm các cuộc tấn công nhà báo ở tỉnh Quảng Châu và một danh sách các lệnh cấm phương tiện truyền thông ban hành bởi Ban Tuyên giáo Trung ương của ĐCSTQ.
Liên đoàn tuyên bố rằng tổng biên tập của Thời báo Kinh tế Trung Quốc, Bao Yueyang, đã bị giáng chức vào ngày 12 tháng 5, sau khi ông viết về các loại vắc-xin hỏng của chính quyền gây ra cái chết của một số trẻ em ở tỉnh Sơn Tây.
Liên đoàn cũng tuyên bố rằng Tạp chí Theo dõi Kinh doanh đã bị tạm thời đóng cửa bởi Tổng cục Báo chí và Xuất bản của ĐCSTQ từ 4 đến 31 tháng 5, sau khi tạp chí này đăng một bài về sự tham nhũng của chính quyền.
Trang web của Epoch Times được khởi lập vào năm 2000 bởi những người Trung Quốc di cư đang sống ở Atlanta, với sự giúp đỡ của nhóm của anh Zhang ở Trung Quốc. Tờ báo bắt đầu với một sứ mệnh nhằm tạo ra một tờ báo tiếng Trung độc lập mà không thể bị kiểm duyệt. Sứ mệnh mang các lợi ích của tự do báo chí đến cho Trung Quốc đó đã khiến tờ báo trở thành một mục tiêu của ĐCSTQ.
Việc khởi lập The Epoch Times đã đưa ra một thách thức trực tiếp cho ĐCSTQ, khi nhóm của anh Zhang đưa tin trực tiếp từ bên trong Trung Quốc, đặc biệt nhấn mạnh vào các câu chuyện mà các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát không được phép đưa tin. Tờ báo này cũng đã cung cấp một diễn đàn cho người Hoa ở bên ngoài Trung Quốc mong mỏi viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình cho một phương tiện truyền thông tự do.
Mặc dù mọi người ở bên trong Trung Quốc có thể dùng các phần mềm như Ultrasurf và Freegate để chống lại việc phong tỏa Internet để đọc The Epoch Times, cả hai phiên bản web và in đều bị cấm ở Trung Quốc. Hơn 10 năm qua, The Epoch Times đã phát triển sang 33 nước và thành lập các phiên bản bằng 17 thứ tiếng, cung cấp các tin tức và ý kiến không bị kiểm duyệt trên khắp thế giới – nhưng không phải ở Trung Quốc, ít nhất là không được công khai.
Tra tấn và cầm tù
Sau khi 10 nhân viên của Epoch Times ở thành phố Zhu Hai bị bắt vào tháng 12 năm 2000, họ đã phải đối mặt với gần một nửa năm hỏi cung lặp đi lặp lại.
“Họ thay đổi các cảnh sát viên một vài lần,” anh Huang nói. “Họ hỏi tôi một số chi tiết về công việc làm trang web của chúng tôi. Đôi khi họ chửi tôi. Có một số ngày họ chửi tôi trong 8 giờ đồng hồ liên tiếp. Thật là kinh khủng.”
Tình trạng của anh Zhang còn tồi tệ hơn. Nhiều tháng sau đó, khi bản án được đưa ra, anh Huang bị kết án 5 năm tù và anh Zhang bị 10 năm.
Cả hai bị đưa đến nhà tù Shi Hui ở tỉnh Quảng Đông vào năm 2000, nhưng không ai nghe được tin gì từ họ cho đến năm 2003. Lính gác theo dõi chặt chẽ và cũng dùng các tù nhân khác để giám sát họ để ngăn không cho họ giao tiếp với nhau.
Anh Zhang đã không thể nói chuyện được trong một thời gian dài. Khi cuối cùng anh có thể giao tiếp được với Huang, anh cho biết là anh đã bị chính quyền của ĐCSTQ tra tấn. Đó là lần cuối cùng anh Huang thấy bạn mình.
Trong số các phương pháp tra tấn được dùng đối với họ giống như treo lên thập tự giá. Đối tượng bị bắt phải nằm trên một tấm phản gỗ. Hai cánh tay họ sau đó bị trói căng ra hai bên, và hai mắt cá chân họ bị buộc xuống hai bên của tấm phản gỗ. Người Trung Quốc gọi phương pháp tra tấn này là “Máy bay”, nó cũng được gọi là “Giường chết”. Các nạn nhân thường bị trói căng ra như thế này trong nhiều ngày.
Anh Zhang hồi đó ngoài 30 tuổi khi anh bị ĐCSTQ bắt đi. Trong khi anh bị ngăn không cho chăm sóc gia đình mình trong thập kỷ qua, vợ và hai đứa con nhỏ của anh đã cố gắng tồn tại ở Mỹ.
Tình hình trong tù rất khó khăn. Anh Huang lưu ý rằng anh và các tù nhân khác đã phải lao động nô lệ từ 16 đến 18 tiếng mỗi ngày, làm mọi thứ từ hoa nhựa cho đến dây đèn trang trí No-el. Có lúc, khi một lô hàng hạt hồ trăn được chuyển đến Mỹ, các tù nhân đã bị buộc phải bóc vỏ các hạt hồ trăn bằng những chiếc kìm lớn.
“Những chiếc kìm đã để lại những vết rộp lớn trên hai tay tôi, rất đau,” anh Huang nhớ lại.
Vì anh tập Pháp Luân Công, các khóa tẩy não cũng là một phần thường xuyên của bản án của anh Huang. Anh đã bị bắt phải xem các phim tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công và đọc các tài liệu của nhà nước ban hành kích động lòng thù ghét đối với môn tập này.
“Họ cố gắng khiến tôi từ bỏ tín ngưỡng của mình,” anh nói.
Anh Huang được thả vào cuối năm 2005 và đã nhận được một học bổng để du học tại Trường Đại học Ohio State University vào năm 2008. Sau khi có bằng cao học về kỹ thuật cơ khí, anh đã tìm được một việc làm ở Illinois.
Anh chia sẻ hy vọng của mình rằng anh Zhang sẽ được thả vào ngày theo dự tính tháng này, nhưng cũng lưu ý rằng “ngay cả vợ anh ấy cũng không biết nhiều về tình trạng hiện thời của anh ấy.”
“Chúng tôi biết rằng sức khỏe của anh Zhang không được tốt,” anh nói thêm.
Anh Huang nói rằng việc bắt giữ anh và 9 nhân viên Epoch Times khác “không có cơ sở nào trong luật pháp Trung Quốc hết.”
Việc bắt giữ này đại biểu cho “một tổn thất rất lớn cho tự do báo chí Trung Quốc,” anh nói.
“[The Epoch Times là] cố gắng đầu tiên để nhân dân Trung Quốc có một phương tiện truyền thông tự do của riêng mình, không bị kiểm duyệt bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc,” anh Huang nói.
Joshua Philipp
(Theo The Epoch Times)
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!