“Nữ quái” giang hồ tuổi teen My “sói” cầm đầu nhóm bắt cóc, cướp tài sản và tổ chức hiếp dâm tập thể khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ. Đó là những tội ác không thể dung thứ. Tuy nhiên trong sâu thẳm My “sói” vẫn còn phần con người với nhiều cung bậc cảm xúc tuổi mới lớn.
Không còn là một nữ quái giang hồ, My “sói” trong con mắt của bạn bè lại là một cô bé “rất hiền và rất xinh”, luôn biết quan tâm, lo lắng cho người khác, chung tình với người yêu, luôn mang trong mình một trái tim đa sầu, đa cảm.
Lần mò theo những tin nhắn nhẹ nhàng, quan tâm, lo lắng trên blog của My “sói”, pv VTC News đã có buổi trò chuyện thân tình với người chị hơn My 3 tuổi – người đã từng “nếm mật nằm gai” cùng My “sói” suốt 1 tháng ròng.
“1 tháng – thời gian tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ để em hiểu hơn về một con người. Với em, My lúc nào cũng tốt, biết cách quan tâm và… hiền lắm!” – Bạn N.T.H (đề nghị được giấu tên, sinh năm 1993, cư ngụ tại Hai Bà Trưng, HN) tâm sự.
Dù sao My “sói” vẫn chỉ là một cô bé 14 tuổi với đôi mắt trong veo và nụ cười rất tươi
Khác với hình dung về một nữ quái giang hồ ngỗ ngược, tàn bạo cầm đầu nhóm bắt cóc, cướp của, hiếp dâm các cô gái trẻ, trong trái tim và suy nghĩ của một ai đó thì My “sói” vẫn mãi là một cô bé ngây thơ, xinh xắn với nụ cười duyên dáng, đáng yêu, hồn nhiên đến tội nghiệp.
Hồn nhiên trong cái kiểu dặn mẹ vào thăm nhớ mang cho My quần áo và mấy múi mít, còn không quên nhắc nhở: mang quần áo cũ thôi, đừng mua quần áo mới. Hồn nhiên trong cái cách hỏi với theo các cô, các chú phóng viên trước khi ra về: “Cô chú có thấy blog của cháu có nhiều bạn bè comment không? Và bao giờ cháu mới được ra khỏi tù? Cháu sợ lúc ấy cháu đã ngoài 20 rồi”… Và trong cả cái lối suy nghĩ, lý giải rất trẻ con khi có người hỏi về biệt danh My “sói”: “Có lẽ vì cháu hay thức đêm, chó sói cũng hay thức đêm mà”…
Hiểu hết tội ác và hành vi tàn nhẫn của My “sói” nhưng hơn 2 giờ đồng hồ nói chuyện với H., điều sâu sắc, chân thành nhất mà chúng tôi nhận ra đó là tình yêu, sự thương mến vô bờ bến mà một kẻ đã từng lang bạt, không “máu mủ ruột già” với My “sói” dành trọn cho cô bé tuổi teen này.
“My rất chung tình nhưng lại hay bị phụ tình”
Nói về ấn tượng lần đầu tiên gặp My “sói”, H. nói: “My lúc đó khác lắm chị ạ. Cũng ăn chơi, nhưng hiền. Có nét gì đó rụt rè, sợ sệt khi tiếp xúc với người khác. My nhận em là vợ, còn em nhận My là chồng”.
Hỏi H. về tính cách của My, H. chỉ cười: “Nhiều lúc My cũng nóng nảy. Nhưng nhiều lúc cũng buồn cười lắm. Em mà buồn chuyện gì, My hay chọc cười. Mặc dù biết không cười được nhưng cũng phải cố cười cho cô nàng vui”.
Có một điều mà cho tới tận bây giờ H. vẫn chưa thể hiểu được đó là tại sao My lại chung tình mặc dù cô bé đã nhiều lần thất tình, bị người yêu phụ bạc. Theo như lời của H. thì My “sói” yêu rất nhiều người và yêu ai cũng yêu hết lòng, luôn muốn làm tất cả những gì để có thể đem đến niềm vui cho người ấy. Nhưng trớ trêu thay, My yêu họ nhiều bao nhiêu thì lại luôn bị người ta phụ tình tệ bạc bấy nhiêu. H. kể: “Ngày trước, khi gặp My, My yêu một cậu bạn sinh năm 93 (xin được giấu tên), My yêu anh ta nhiều lắm. Lúc nào cũng chỉ khóc nhưng rồi anh ta lại yêu bạn của My. Trong rất nhiều cuộc tình, My toàn bị người ta cướp mất người yêu, bị người yêu bỏ rơi”.
Trong đợt bị bắt giam vừa rồi, điều mà My đau đớn nhất khi bị bắt tạm giam là sự phản bội của… người yêu. My đau khổ và “chết lặng” khi biết người yêu của mình khai nhận với CQĐT, hắn đã trực tiếp hiếp dâm một trong số 3 nạn nhân chúng bắt cóc được. Và ngay cả khi hỏi My về hành vi này của Long, My vẫn một mực bênh vực, bao biện cho “người ấy” rằng: Vì là trưởng nhóm, không thể không làm cho anh em “noi theo”.
Đã hơn một lần, mặc cảm với những gì mà mình đang có, My “sói” đã viết những lời gan ruột trên blog để xin lỗi một tình yêu. Ở đó có những tủi hờn, trách móc, có những phút giây tự ti, khép mình, quằn quại trong tủi hổ, xót xa: “Xin lỗi anh, em chẳng có gì… chẳng xứng cho anh phải để tâm và nghĩ ngợi, yêu thương và suy nghĩ về em. Xin lỗi anh nhé, vì em vô giá trị trong mắt anh… Xin lỗi anh vì em chỉ là một đứa con gái, chả đáng để anh bận lòng!”.
Đánh nhau để bảo vệ bạn
“Em quen My qua một người bạn. Lần đó, bố mẹ em bỏ nhau, em dạt nhà. Quen My trong một quán nét ở khu Bách Khoa. Sau đó 2 chị em nghiền nét, thường xuyên ngủ qua đêm luôn tại quán” – H. bắt đầu kể về cái lần đầu tiên quen My “sói” như vậy.
Nhắc về những kỉ niệm những ngày sống cùng My “sói” nơi quán nét, H. không khỏi bùi ngùi xúc động. “Những ngày dạt nhà, thực sự là bọn em không có tiền”. Như vừa chợt nhận ra cái suy nghĩ liên tưởng trong đầu chúng tôi, H. vội vàng xua tay khẳng định: “Nhưng My chưa bao giờ bắt em phải làm cái “chuyện đấy” chị ạ”. Những ngày lang thang không một xu dính túi, đối mặt với việc không có tiền, nhiều hôm, bọn trẻ nghiền nét, đánh game thâu đêm mà không một miếng cơm vào bụng. “Tuy vậy, My chưa khi nào để em phải nhịn đói. My thường mượn tiền của mấy anh em thân thiết để lo cơm từng bữa cho cả 2 đứa”.
Trong con mắt của H., My luôn là một người hết lòng vì người yêu, sẵn sàng xả thân vì bạn hữu và đặc biệt luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho những người bạn cùng cảnh ngộ với mình
Ngoài những giờ mải miết ở quán nét, 2 đứa thường lang thang đi bộ. Cũng là kẻ dạt nhà, cùng cảnh ngộ và kém H. 3 tuổi nhưng My “sói” lúc nào cũng ra điều “người lớn” khi khuyên răn H. quay trở về nhà, sống tụ họp với gia đình. “My luôn khuyên em làm những điều tốt. Ngay cả lần bọn em đánh nhau, em suýt bị đánh vì một cái nhìn đểu. Em lại bị hen, khi mấy đứa kia định xông vào đánh, My rất sợ em bị làm sao nên đã lao ra bảo vệ em”.
H. cho biết: Ngay cả đám con trai, ai cũng rất quý mến My bởi My luôn tôn trọng tất cả mọi người, không phân bì cao – thấp, sang – hèn, trên – dưới. Có lẽ vì vậy mà mặc dù là con gái nhưng My lại có thể cầm đầu cả một đội hình gồm 7 chàng trai? Và phải chăng cũng bởi vì My là một đứa con gái nghĩa hiệp nên chỉ cần một tiếng hô là cả bọn răm rắp nghe theo?
“Khi ta không có gì để mất”
Cũng giống như bao cô gái mới lớn khác, My cũng là người thích điệu đà, diêm dúa, thích soi mình vào gương và làm dáng trước ống kính. Nhưng chỉ khác một điều, ở My luôn thường trực ham muốn đó là được… chết.
Bạn bè My nói chưa bao giờ nhìn thấy My hạnh phúc dù chỉ là nhỏ nhoi hay bất chợt, rất ít khi nhìn thấy cô bé cười, có chăng chỉ là nụ cười giả tạo – nụ cười mà theo như H. nói: “chỉ là đệm cho nỗi buồn, nỗi đau và nỗi cô đơn thôi”.
Trong các buổi tụ tập hay kết bạn, My “sói” cũng không đả động nhắc tới gia đình. Hơn 1 tháng ở cùng My, cho tới bây giờ, nhà My “sói” ở đâu, hoàn cảnh như thế nào, bố mẹ ra sao, H. cũng không hề hay biết.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của H. và My không phải là những buổi shopping dạo phố hay la cà các quán café như bao đứa trẻ khác. Điều in sâu đậm nhất trong tâm trí của H. lại là hình ảnh 2 đứa con gái rủ nhau lên cầu nổi Thanh Nhàn và quyết định nhảy cầu tự tử. “Khi đứng chênh vênh trên cầu, chỉ khoảnh khắc nữa thôi, nhưng chẳng hiểu sao, bọn em lại không dám nhảy nữa. Hai đứa chỉ biết đứng ôm nhau khóc”.
Rất ít khi người ta nhìn thấy My cười, có chăng đó chỉ là nụ cười gượng
Cái mong muốn được chết dường như luôn thường trực trong suy nghĩ của My. Blog của My cũng đầy rẫy những lời ta thán, thảm thiết: “Giờ đây, tao muốn chết. Tao muốn chết. Cho tao chết 1 lúc nhé!”.
“My thích đi tự tử lắm. Lúc nào cũng nói với em: “Vợ ơi, chồng muốn chết” – H. chia sẻ.
Có người nói: Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, đừng đổ tội cho người khác, nhưng phải thừa nhận một điều rằng: Có đặt mình vào “chỗ chết” người ta mới hiểu đôi khi họ phải đánh đổi mọi thứ để được “sống”, dù có thể cách sống đó không phải như một “con người”.
Khi nghe tin My “sói” bị bắt với hành vi cầm đầu nhóm bắt cóc, cướp của và cả tổ chức hiếp dâm tập thể các cô gái trẻ, H. cảm thấy xót xa, đau đớn và hơn hết là rất bất ngờ.
H. kể trước khi My bị bắt, có lần H. gặp My trên mạng, 2 người chát với nhau. “My bảo: My đã đi làm rồi, ngoan ngoãn rồi. My bảo là làm ăn đàng hoàng, chân chính rồi. Lúc đó, em mừng lắm. Ai ngờ…”. Nói đến đây, giọng H. như nghẹn lại.
“Lỗi có lẽ cũng không phải hoàn toàn do My. My làm vậy chắc cũng có nguyên do của mình. Chỉ vì cô đơn quá, tủi thân quá, buồn nhiều, khóc nhiều, không có hạnh phúc nên My mới như thế”.
Ngập ngừng một lát, H. lại tiếp lời: “Cũng có thể do My uất ức quá, làm liều. Cũng có thể vì ghen tị. Người ta được hạnh phúc, được quan tâm, yêu thương còn mình thì chỉ có một mình, thấy trống trải và thiệt thòi. Ai ở trong hoàn cảnh của My mới có thể hiểu được. Khi ta chẳng có một cái gì trong tay và cũng không có gì để mất”.
Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, H. không quên nhắc nhở chúng tôi nếu được vào thăm thì hãy cho H. đi cùng. Nếu không, thì hãy gửi giùm lời nhắn tới My rằng: “Lúc em trở về, chị sẽ cho em thấy cái cuộc sống này nó vô vị nhưng nhiều lúc lại có “vị”. Đắng cay mặn ngọt là do mình. Hạnh phúc cũng là do mình tạo dựng nên. Hãy thay đổi và về với vợ. Vợ sẽ chia một nửa hạnh phúc cho chồng”. H. còn dặn dò thêm: “Hãy nói với My rằng: Mọi thứ đều có thể bắt đầu lại. Chị cũng đã từng đi dạt như em, nhưng khi nào em trở về, chị sẽ cho em thấy đứa bé đang mang trong bụng chị. Chị sẽ không để sẩy một lần nữa đâu”.
Liệu niềm hạnh phúc của một người đồng cảnh ngộ sắp được làm mẹ, đã có một mái ấm gia đình và sự chào đón của một người chị không “máu mủ ruột già” có thể là hứa hẹn cho một khởi đầu tốt đẹp, một con đường mới sẽ mở ra sau khi My trở về?!
Tiểu Phương
Theo VTCNews
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!