Các nhà khoa học Việt Nam cho rằng khả năng nước này bị ảnh hưởng mây phóng xạ từ Nhật Bản là rất thấp, ít nhất cho đến ngày 19/3/2011.
Hình ảnh dự đoán hướng phát tán của đám mây phóng xạ từ Nhật Bản (dự đoán đến ngày 19/3/2011). Nguồn ảnh: Trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện – Liên Hiệp Quốc.
Ngày 17/3, Bay Vút đã liên lạc với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Lê Đình Tiến và Tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (VARANS) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để tìm hiểu về tình hình mây phóng xạ từ Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến Việt Nam hay không.
“Mây phóng xạ khó ảnh hưởng đến Việt Nam”
Tiến sĩ Ngô Đặng Nhân cho Bay Vút biết toàn bộ tình hình sự cố cháy nổ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 ở Nhật Bản được thông tin và cập nhật chi tiết trên trang web chính thức của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tại địa chỉ: www.varans.vn.
Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thành lập Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 nhằm thông báo kịp thời cho giới chức cũng như người dân nắm bắt diễn tiến tình hình về sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Nhật vốn đang thu hút sự chú ý của dư luận ở nước này nhiều ngày qua.
Được biết hôm 16/3, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo tại Hà Nội về sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, Nhật Bản do hậu quả của trận động đất và sóng thần ngày 11/3.
Các thông tin chính thức cho hay đám mây phóng xạ của sự cố hạt nhân tại Nhật Bản khó có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, ít nhất là trong những ngày tới.
Kết luận này dựa trên kết quả tính toán hướng phát tán chất phóng xạ của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản và Trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (Liên Hiệp Quốc). Kết quả tính toán cho thấy từ ngày 15 đến 19/3 đám mây phóng xạ sẽ có xu hướng bay từ đất liền ra biển theo hướng Đông Bắc và đi lên phía cực Bắc bán cầu. Điều này sẽ làm giảm ảnh hưởng của chất phóng xạ đối với sức khỏe con người.
Các nhà khoa học Việt Nam kết luận chưa phát hiện thấy mức tăng phông bức xạ bất thường, tuy nhiên vẫn tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin kịp thời đến người dân nước này trong những ngày tới.
Vẫn theo dõi 24/7
Trả lời phỏng vấn Bay Vút ngày 17/3, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền cho biết: “Những ngày qua hai trạm quan trắc theo dõi mây phóng xạ tại Việt Nam vẫn hoạt động tốt, theo dõi tình hình 24/7”.
Số liệu đo phóng xạ và đo phông bức xạ gamma trong không khí tại Việt Nam từ hai trạm quan trắc tại Đà Lạt (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) và Hà Nội (Viện Khoa học kỹ thuật Hạt nhân Hà Nội) đều chưa phát hiện thấy phóng xạ hay mức độ ô nhiễm.
Viện trưởng Nguyễn Nhị Điền cho biết hầu như không có khả năng phóng xạ lan tới Việt Nam: “Ngay cả khi mức độ phóng xạ ở Nhật lên tới cấp 5, 6 thì vẫn chưa hẳn là mối lo ngại đối với Việt Nam vì còn phải xem xét hướng gió mang bụi phóng xạ đi về hướng nào và còn tùy thuộc mỗi vùng miền mà ảnh hưởng phóng xạ sẽ không giống nhau”.
Trong trường hợp giả tưởng xấu nhất có thể xảy ra thì chính quyền Việt Nam sẽ tổ chức di tản người dân sống trong phạm vi ảnh hưởng phóng xạ nhiều nhất ra vùng an toàn hơn.
Những ngày qua, các nhà khoa học và nghiên cứu trong lĩnh vực hạt nhân tại Việt Nam vẫn nhận được những thông tin chính thức cập nhật tình hình về sự cố hạt nhân ở Nhật Bản.
“Chúng tôi nhận được báo cáo thường xuyên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng như một số cơ quan chuyên trách khác trên thế giới,” ông Điền cho hay.
Ông Điền dự báo: “Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 sẽ diễn biến theo chiều hướng khả quan nếu như phía Nhật giải quyết ổn thỏa tình trạng nguy hiểm ở lò số 4. Riêng lò số 1, 2 và 3 về cơ bản đã ổn”.
Nhận định mới nhất (17/3) từ VARANS cho hay: “Tới thời điểm này, theo những thông tin cập nhật được từ Công ty TEPCO các cơ quan hữu quan Nhật Bản và IAEA, nhà máy điện Fukushima 1 đã xảy ra sự cố nhưng thùng áp lực của các lò phản ứng và lớp bảo vệ bê tông cốt thép chưa bị phá vỡ nên phần lớn chất phóng xạ vẫn được giữ trong lò. Nhưng những giải pháp cấp nước làm mát và axit boric cho các tổ máy hiện nay không đạt được hiệu quả mong muốn, nên tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Bay Vút “Về mặt lâu dài thì hậu quả của sự cố hạt nhân tại Nhật Bản sẽ ra sao?”, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt Nguyễn Nhị Điền đánh giá: “Có thể nước Nhật sẽ mất rất nhiều thời gian và kinh phí để khắc phục sự cố này. Việc xử lý ngắn hạn bằng cách đóng cửa nhà máy điện hạt nhân như Fukushima trước mắt sẽ làm tổn thất hàng triệu đô-la Mỹ. Còn khâu xử lý dài hạn (chôn hủy) có thể phải kéo dài hàng chục năm”.
Theo bayvut
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!