Người dân chóng mặt vì giá cả gia tăng. Đô la Mỹ (USD) bị yếu đi trên thị trường quốc tế, tức là nó mất giá so với các đồng tiền khác.
Trong thanh toán quốc tế Việt Nam chủ yếu dùng USD. Ngay cả nhập xuất với Nhật, Tây Âu và khu vực cũng thường tính bằng USD. Đồng Việt Nam được “neo vào” USD nên nó biến động theo USD cũng không khó hiểu.
Nhưng dường như vừa qua, đồng Việt Nam “mất giá” cả với USD nữa. Nói “dường như” bởi thực ra đồng Việt Nam đã bị định giá cao hơn USD trong thời gian dài. Do vẫn không điều chỉnh linh hoạt nên buộc phải điều chỉnh giật cục với việc định giá lại một cách chính thức (hơn 9%) trong mấy tuần qua. Thực ra ghi nhận sự điều chỉnh đã xảy ra nhiều tháng trước trên thị trường. Lẽ ra nếu điều chỉnh linh hoạt thì không gây ra sốc.
![]() |
Cặp lồng cơm lên ngôi ở công sở. Ảnh minh họa |
Không may, đợt điều chỉnh đó cùng với việc tăng giá điện, tăng giá xăng đã khiến cho tâm lý người dân và doanh nghiệp bất ổn, làm lòng tin vào đồng tiền Việt Nam bị giảm sút. Tất cả các yếu tố đó cùng nhau gây ra cơn sốt giá.
Mấy ngày trước các siêu thị còn nói giá vẫn ổn định. Trong khi đó ở các chợ nhiều mặt hàng đã tăng cao. Giá xé xe, cước tắc xi bị đẩy lên theo giá xăng. Từ 1/3, các siêu thị cũng chẳng còn giữ được thái độ như mấy ngày trước. Nhiều mặt hàng đã tăng từ 5-15%, sữa ngoại tăng đến 20%.
Tác động tâm lý đóng vai trò không nhỏ. Đấy là một quá trình phức tạp và nhiều khi xảy ra ngoài ý muốn của các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, vẫn có thể hiểu, thậm chí dự đoán được và nhờ đó có chính sách hợp lý.
Lạm phát, giá cả đụng đến cuộc sống của cả 87 triệu người. Những người giàu sụ chắc ít bị ảnh hưởng, nhưng tầng lớp trung lưu có thể cảm thấy ngay. Nhất là những người làm công ăn lương và những người nghèo, họ thực sự khốn khổ. Người ta đã điều chỉnh ứng xử của mình, từ chuyện mua sắm ít hơn, đến chuyện mang “ăng gô” (cặp lồng) cơm đến cơ quan, gợi lại cảnh tượng vài mươi năm trước.
Chính phủ đã thấy rõ nguy cơ của cơn bão giá và đã vạch ra các chính sách phù hợp. Vấn đề thực hiện chính sách, hiệu chỉnh chính sách là quan trọng nhất trong thời gian trước mắt.
Lắng nghe ý kiến chuyên gia, kể cả các ý kiến khó nghe, thảo luận chính sách cởi mở hơn để tránh sai sót là việc cần làm thường xuyên để tránh những biến động đáng tiếc .
Theo bee.net
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!