Sự phối hợp hoạt động của các quốc gia có liên quan nhằm ngăn chặn loại hình tội phạm đẻ thuê và buôn bán trẻ sơ sinh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và chưa thực sự triệt để.
![Các chính phủ hiện nay chưa thực sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết và ngăn chặn triệt để vấn nạn đẻ thuê và buôn bán phụ nữ xuyên quốc gia (Ảnh: ABC) [title]](https://www.tindachieu.org/wp-content/uploads/2011/03/xung-quanh-viec-duong-day-de-thue-bi-phanh-phui-image.jpg)
Các chính phủ hiện nay chưa thực sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết và ngăn chặn triệt để vấn nạn đẻ thuê và buôn bán phụ nữ xuyên quốc gia (Ảnh: ABC)
Ngày 23/2 vừa qua, cảnh sát Thái Lan đã phối hợp với một số tổ chức nhân đạo và phi chính phủ nhằm phá vỡ một đường dây đẻ thuê tại nước này. Trong số đó có một số phụ nữ Việt Nam tình nguyện hoặc bị ép buộc mang thai để sau đó trẻ sơ sinh được rao bán cho các gia đình hiếm muộn.
Theo các nhà chức trách Thái Lan, đường dây trên hoạt động chủ yếu tại Đài Loan, với sự tham gia của bốn người Đài Loan, một người Trung Quốc và ba người Myanmar.
Công ty với tên gọi Baby 101 đã quảng cáo về loại hình dịch vụ đẻ thuê này tại Thái Lan. Trên thực tế, nhiều phụ nữ trong đường dây này bị ép buộc tham gia. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan còn cho biết trong một số trường hợp, một số người còn bị cưỡng hiếp.
Hiện nay, chính phủ Thái Lan đang cân nhắc số phận của chín đứa trẻ sắp chào đời và xem xét quốc tịch cho chúng.
Quản lý lỏng lẻo
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Quan sát Nhân quyền khu vực châu Á cho biết hiện nay cảnh sát đang tiến hành thẩm vấn các nghi phạm. Mặc dù những phụ nữ tham gia trong đường dây đẻ thuê trên có một số người tình nguyện nhưng cũng có nhiều người bị ép buộc tham gia và dấu hiệu của việc buôn người là rất rõ ràng.
Khác với Ấn Độ, đẻ thuê tại Thái Lan bị coi là trái pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Robertson, việc công ty Baby 101 vẫn hoạt động một cách công khai cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của chính phủ Thái Lan. Đồng thời, công ty này sử dụng phụ nữ Việt Nam thay vì phụ nữ Thái Lan cũng nhằm để tránh né sự giám sát của các nhà chức trách. Chính vì vậy, cho đến nay, những người tham gia vào đường dây này vẫn chưa bị đưa ra tòa mà chỉ bị chất vấn trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, ông Robertson cũng cho rằng những khách hàng mua hay ‘nhận nuôi’ những đứa trẻ từ công ty trên cũng vi phạm pháp luật hay ít nhất là có vấn đề về mặt đạo đức nếu như ngay từ đầu họ biết được phương thức hoạt động của công ty này.
Ông Robertson cho biết đối với những phụ nữ Việt Nam tham gia vào đường dây đẻ thuê thì hiện họ đang được các nhà chức trách Thái Lan giúp đỡ một cách rất nhân văn và bảo vệ nhân quyền cho họ. Ngoài ra, ông Robertson cho rằng, họ cũng cần được đối xử như những nạn nhân trong đường dây phạm pháp này và đồng thời được trợ giúp để hiểu rõ hơn về hậu quả của những việc họ đã làm. “Có thể một số người sẽ bị trục xuất về Việt Nam. Tuy nhiên, trước mắt thì họ đang rất cần sự trợ giúp”, ông nói.
Phương hướng giải quyết
Theo ông Phil Robertson, Tổ chức Quan sát Nhân quyền hiện nay vẫn chưa có những quy định chung và cụ thể về vấn nạn đẻ thuê. Tuy nhiên, đối với trường hợp công ty Baby 101, tổ chức này hiện đang tập trung điều tra theo hướng có liên quan đến yếu tố buôn người. “Chúng tôi tập trung vào thực tế rằng có nhiều phụ nữ bị buôn bán xuyên quốc gia và sau đó bị ép buộc phải tham gia trong các đường dây đẻ thuê”, ông nhấn mạnh.
Ngay cả đối với chính phủ các nước, quá trình đấu tranh chống loại hình tội phạm này cũng gặp không ít khó khăn. Trên thực tế, khi đường dây hoạt động phạm pháp của công ty Baby 101 đã bị phanh phui, sự phối hợp của các chính phủ các nước liên quan như Thái Lan, Cambodia, Lào và Việt Nam vẫn chưa được chú trọng và chưa mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Chính vì vậy, theo ông Robertson, các nhà chức trách cần phải nỗ lực phối hợp hoạt động hơn nữa để giải quyết triệt để vấn đề này, đồng thời ngăn chặn nó trong tương lai.
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!