Ngay sau khi Hành trình Cam được thực hiện ở Việt Nam thì tại Úc, cũng có một cô gái đang xúc tiến tiếp bước sự kiện này. Cô ấy là Petta Patterson.

Rose Taylor cùng hai con (Nguồn ảnh: Anh Đức)
Tóm lược
- Ý tưởng tiếp bước Hành trình Cam (Orange Walk) của Petta ngay lập tức được Rose hưởng ứng. Thế nhưng rất tiếc cuộc đi bộ dự kiến tổ chức tại Sydney ngày 23/5 vừa qua đã phải hoãn lại đến 8/8/2009 vì chưa đủ kinh phí thực hiện.
Từ nỗi đau của người cha
“Một ngày, khi tôi 13 tuổi, tôi đi đón cha cùng hai chị gái từ phi trường và chúng tôi đi bằng xe lửa. Tuyến đường đó xe lửa phải chạy ngầm dưới lòng đất. Cha tôi rất sợ. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ông khóc. Ông khóc rất nhiều. Ông vô cùng hoảng loạn. Rồi ông đập rầm rầm vào cửa kính khoang tàu hòng thoát ra. Ông gào lên kêu cứu và vẫn không thể ngừng khóc. Tôi quá sốc, tôi đau xót nhìn cha tôi trong tình cảnh ấy.”
“Tôi không thể hiểu nổi tại sao ông lại bị như vậy. Cha tôi không bao giờ kể rõ ràng về những gì xảy ra trong chiến tranh. Thật khó cho ông để nói về nó. Cho đến khi tôi lớn lên, ông mới cho chị em tôi biết rằng ông đã bị bắn từ phía sau. Ông đã bị kẹt dưới một đường hầm nào đó ở Việt Nam. Nỗi sợ hãi đó luôn ám ảnh ông.”
“Cha tôi đã phục vụ trong chiến tranh Việt Nam từ tháng 5/1969 cho đến tháng 5/1970. Khi đó, ông là hạ sĩ quan thuộc tiểu đoàn 6, trung đoàn Quân đội Hoàng gia Úc (6th Battalion, Royal Australia Regiment)
“Cuộc chiến Việt Nam tác động mạnh đến cha tôi suốt cả cuộc đời còn lại. Ông mắc phải rất nhiều chứng bệnh do ảnh hưởng của chất độc da cam. Về thể chất, ông bị ung thư da và khó thở. Về thần kinh, bác sĩ nói ông mắc chứng tâm thần hoảng loạn (Post Traumatic stress disorder) đến mức ông không thể làm việc được. Ông rất ốm yếu và mỗi lần chứng kiến ông lên cơn bạo bệnh, tim tôi muốn thắt lại.”
“Cha tôi thường xuyên bị ác mộng, ông nói nhảm trong lúc ngủ, gào thét và gọi những cái tên ai đó như thể ông vẫn đang ở trong cuộc chiến Việt Nam. Tôi quá lo sợ cho ông và phải đánh thức ông dậy. Hầu như không đêm nào ông được ngủ một giấc trọn vẹn.”
“Rồi cha tôi mất sau một cơn đau tim khủng khiếp.”
Di sản chiến tranh
Petta Patterson không còn cha từ đó. Năm nay 22 tuổi, Petta làm việc ở tiệm cà phê McDonalds vào buổi sáng và đến trường TAFE ba tối mỗi tuần để học Auslan – ngôn ngữ ký hiệu của người Úc. Cô thích nhiếp ảnh, gặp gỡ người thân, bạn bè, đi dạo cuối tuần và cũng thích lái xe nữa.
Petta và hai chị gái đều là nạn nhân của chất độc da cam. Chị lớn bị hội chứng ‘buồng trứng đa nang’ (polycystic ovarian syndrome) dẫn đến vô sinh. Chị gái song sinh thì bị bại não ở dạng nhẹ (cerebral palsy). Còn Petta thì bị khuyết tật về phát âm (verbal dysprasia), cô không thể nói được như những người bình thường.
Số phận ác nghiệt đã an bài để Petta gắn chặt cuộc đời mình với chất độc da cam. Thế nhưng chưa bao giờ cô gái tóc vàng có nụ cười tươi này nguôi hi vọng.
“Cha tôi là một người cha vĩ đại. Ông yêu thương chị em tôi vô cùng, ông vẫn thường nói chúng tôi là niềm tự hào và niềm hạnh phúc của ông. Ông có tấm lòng nhân hậu và giúp đỡ người khác. Lòng từ thiện của ông là di sản mà chúng tôi kế thừa. Tôi cũng làm theo ông với mong muốn được giúp đỡ người khác.”
Petta đã gặp Rose Taylor – Chủ tịch Hội những người con gái của cựu binh chiến tranh Việt Nam tiểu bang News South Wales. 26 tuổi, là mẹ của hai cháu gái xinh xắn, Rose cũng có cha từng tham chiến ở Việt Nam. Ông đã yêu một người phụ nữ Việt và họ có với nhau một cậu con trai tên Thân (hay Thận – người viết). Sau đó, có người báo tin Thân chết ở cô nhi viện như một đứa trẻ mồ côi. “Tuy nhiên điều này mãi mãi không bao giờ được khẳng định”, Rose nói, “Thân là một chương bỏ ngỏ trong cuộc đời của cha tôi, cũng là của tôi nữa. Do đó, với chúng tôi, chiến tranh vẫn còn đeo đẳng”.
Tiếp bước Hành trình Cam
Petta và Rose đều biết đến bác sĩ Bernie Duff khi ông khởi xướng và thực hiện Hành trình Cam từ năm 2008 tại Việt Nam.
“Tôi không thể ngờ lại có nhiều trẻ em ở Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam đến như thế. Tôi đã sốc một lần nữa. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy mình may mắn. Tôi bị dị tật nhưng tôi còn có điều kiện sống tốt hơn nhiều so với các em. Tôi thấy mình có thêm sức mạnh của sự đồng cảm. Tôi không thể ngồi một chỗ mà không làm gì khi họ đang rất cần sự giúp đỡ”, Petta xúc động kể.
Ý tưởng tiếp bước Hành trình Cam (Orange Walk) của Petta ngay lập tức được Rose hưởng ứng. Thế nhưng rất tiếc cuộc đi bộ dự kiến tổ chức tại Sydney ngày 23/5 vừa qua đã phải hoãn lại đến 8/8/2009 vì chưa đủ kinh phí thực hiện.
Hai cô đã và đang làm đủ mọi cách để gây dựng một quỹ hỗ trợ trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam với tên gọi ‘Nhân chứng Cam’ (Orange Pledge). Rose cho biết một website của Quỹ sẽ ra đời, một buổi tiệc kết hợp với Tupperware (hãng nổi tiếng chuyên về sản phẩm gia đình) sẽ tổ chức vào tháng 6 và hãng này hứa sẽ trợ giúp 10% doanh thu bán hàng hôm đó, tiệm McDonalds nơi Petta đang làm việc cũng sẽ giúp tài trợ một buổi quyên góp. Ngoài ra, họ cũng nhận được sự ủng hộ của Hội cựu chiến binh Úc và trẻ em trong cộng đồng người Việt. Tuy nhiên hiện tại, chỉ có hai cô lo công việc, họ rất cần những tình nguyện viên trong cộng đồng và sinh viên Việt Nam hỗ trợ.
Petta dự định năm sau sẽ lần đầu tiên đến Việt Nam và đi thăm những gia đình nạn nhân chất độc da cam. “Tôi luôn có cha trong trái tim mình và tôi tin rằng ông ủng hộ bất kỳ việc gì tôi làm, để bớt đi nỗi đau đớn cho những em nhỏ đáng được hưởng hạnh phúc trên đời này.”
Theo bayvut
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!