Home » Thế giới » Cấp cao Trung-Mỹ: Thân mật nhưng căng thẳng

Hai bên nhất trí về 70 thỏa thuận kinh tế trị giá hơn 45 tỷ usd. Các nguyên thủ hy vọng đặt nền tảng cho tương lai bang giao Trung-Mỹ. Tuy nhiên, những vướng mắc trong quan hệ không thể giải quyết nhanh chóng, vì có nguồn gốc sâu xa từ sự nứt trượt địa-chính trị và chuyển dịch quyền lực toàn cầu.

Cuộc họp kín giữa ông Hồ Cẩm Đào với ông Obama và hội nghị thượng đỉnh của hai phái đoàn chính phủ đã diễn ra trong khoảng thời gian giữa 21 loạt đại bác làm nền cho nghi thức hiếm hoi và bữa quốc yến long trọng trước nay Mỹ chỉ dành riêng cho các quốc gia đồng minh hay bạn bè (ngày và tối 19/1).

Nhưng ba trong số bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội đã khước từ tham dự bữa quốc yến nói trên với lý do là họ sẽ gặp chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào ngày hôm sau (ngày 20/1). Theo giới quan sát, chủ tịch Trung Quốc trải qua hai ngày đàm phán và hội kiến không dễ dàng ở Washington khi ông đối mặt với một số chỉ trích từ các nhà lập pháp Mỹ.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đã gặp gỡ những người đứng đầu các tập đoàn lớn (Sachs, GE, Boeing và Coca Cola…) và tiếp xúc ngắn ngủi với báo giới. Ông Hồ cũng có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội và giới doanh nghiệp Mỹ để kết thúc phần chính thức 48 giờ nhưng được coi là định hướng cho tương lai 30 năm tới của mối quan hệ Mỹ-Trung (Lời của ông Obama).

Miệng kẻ sang có gang có thép

Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Mỹ từ 18 – 21/1 của chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh, hai nước nhất trí cùng nỗ lực để nuôi dưỡng và thúc đẩy lòng tin chiến lược từ hai phía để tăng cường các mối quan hệ Trung-Mỹ. Hai bên thông qua các biện pháp nhằm đẩy mạnh quan hệ song phương, tăng cường trao đổi cấp cao và cam kết giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.

Tuyên bố chung khẳng định, Mỹ hoan nghênh một Trung Quốc mạnh mẽ, phồn thịnh và thành công sẽ đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề thế giới. Trung Quốc hoan nghênh Mỹ như một quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đóng góp vào hoà bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực.

Làm việc cùng nhau, hai nhà lãnh đạo ủng hộ các nỗ lực xây dựng một khu vực châu Á – Thái Bình Dương ổn định, hoà bình và phồn thịnh hơn trong thế kỷ 21.

So lại mục đích chuyến thăm – ông Hồ tuyên bố ngay khi đặt chân lên đất Mỹ – là tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy tình bằng hữu, thắt chặt quan hệ và tiến tới một bang giao Mỹ-Trung tích cực, hợp tác và toàn diện trong thế kỷ 21, dường như các nguyên thủ đặt cược nhiều vào hy vọng của mỗi bên.

Tổng thống Obama phát biểu tại lễ đón: “Lịch sử cho thấy xã hội sẽ hòa hợp, quốc gia sẽ thành công hơn và thế giới sẽ đi xa hơn khi mà quyền lợi và nghĩa vụ con người được duy trì, trong đó bao gồm quyền cơ bản của mỗi con người”.

Thấu hiểu hàm ý sâu xa mà tổng thống Mỹ muốn đề cập, ông Hồ Cẩm Đào thẳng thắn đáp lại: “Tất cả sự hợp tác giữa hai nước phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi, cùng giải quyết thách thức và trên cơ sở mối liên hệ giữa nhân dân hai nước”.

Thời gian qua có không ít các ý kiến nghi ngại về thực chất mối quan hệ Trung-Mỹ. Câu hỏi thường được nêu lên ở Mỹ: Trung Quốc là bạn hay thù? Khi nhà báo nêu vấn đề này, ngoại trưởng Hillary đã tránh đi thẳng vào câu hỏi mà chỉ trả lời: «Tôi hy vọng hai nước có một mối quan hệ bình thường».

Cựu ngoại trưởng Henry Kissinger từng có một nhận xét rất nổi tiếng: «Trung Quốc là mối quan ngại của mọi tổng thống Mỹ, nhưng lại không tổng thống nào có đủ kiến thức về nước này khi bước vào Nhà Trắng».

Ngay cả sau chuyến thăm mang tính chất mở đường của Richard Nixon năm 1972, quan hệ Mỹ-Trung vẫn trồi trụt, thậm chí có những bước thụt lùi, tuy nhìn chung bang giao tiếp tục phát triển. Sau ba thập kỷ, giờ đây quan hệ hai nước đã bước vào giai đoạn lịch sử. Điểm đến của quan hệ này thời gian tới sẽ là thách đố đối với các chiến lược gia của cả hai bên.

Cuộc họp báo chung giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Obama.Ảnh: Reuters
Đặt kết quả vào đúng kích cỡ của nó

Trước thềm thượng đỉnh, kênh truyền hình CCTV (Trung Quốc) nêu tám vấn đề được coi là tế nhị được đặt lên bàn giữa hai nguyên thủ và hai đoàn đàm phán. Trên thực tế, như bản Tuyên bố chung cho thấy, trật tự của các vấn đề có bị đảo lộn đôi chút, nhưng «quả táo đã rơi không xa gốc cây».

Tám vấn đề đó là: Dỡ bỏ các rào cản nhập khẩu công nghệ cao, nỗ lực chung chống lại biến đổi khí hậu, quan hệ quân sự Trung-Mỹ, tình hình bán đảo Triều Tiên/Iran, khác biệt xung quanh tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT), bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của Mỹ, thâm hụt thương mại và chính sách trở lại châu Á của Mỹ.

Cùng đi với chủ tịch Hồ Cẩm Đào có 4 giám đốc điều hành đại diện cho các tập đoàn công nghiệp máy tính, hàng gia dụng, phụ tùng xe hơi và các công ty đầu tư của Trung Quốc. Cả hai nguyên thủ tập trung nhiều vào mối bang giao kinh tế-thương mại quan trọng đóng góp vào thành công của mỗi nước, như đánh giá của ông Obama.

Tuy vấn đề đồng NDT và kinh tế/thương mại chiếm khoảng nửa thời gian hội đàm, nhưng sự phức tạp của quan hệ Trung-Mỹ không nằm chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và kinh tế.

Cho đến giờ, với 2.850 tỷ usd trong tay, Trung Quốc chỉ mới đầu tư gián tiếp bằng cách góp vốn vào các ngân hàng Mỹ. Từ nay mới là lúc Trung Quốc bắt đầu tiến vào khu vực chế biến của kỹ nghệ với một số dự án đầu tư trực tiếp.

Kể cả việc Trung Quốc có thể bỏ 500 triệu usd hùn vốn vào tổ hợp G.E., thì con số đó cũng chỉ bằng 1% tài sản của G.E. thôi. Trong khi ấy, Mỹ đầu tư trực tiếp ra ngoài hơn 4.300 tỷ usd, cao gấp bội so với đầu tư của toàn khối châu Á là 2.900 tỷ.

Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn! Trước thượng đỉnh một ngày, phái đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đã tới Texas ký hàng loạt hợp đồng trị giá tổng cộng là 600 triệu usd về bông vải, vật liệu quang năng, máy móc và điện tử. Nhưng tại hội đàm hai bên thông báo tổng các hợp đồng lần này có thể lên tới hàng chục tỷ.

Ông Hồ còn dẫn đầu phái đoàn doanh nhân hùng hậu tới Chicago (ngày 21/1). Thành phố này sẽ là đại bản doanh của cuộc vận động tái tranh cử của ông Obama (năm 2012), vừa là nơi có một doanh nghiệp Mỹ nhận vốn đầu tư của Trung Quốc để tham gia sản xuất và tạo việc làm cho dân Mỹ.

Tuy nhiên, quy mô đóng góp của Trung Quốc so với các nền kinh tế châu Á khác còn khá khiêm tốn. Tính đến tháng 9/2010, Trung Quốc ở vị trí thấp nhất (chỉ 800 triệu usd) trong số các nước Á châu đầu tư vào Mỹ. Còn xếp sau cả New Zealand (gấp đôi), Hong Kong (gấp năm, gần 4 tỷ), Đài Loan (4,2 tỷ), Ấn Độ (4,4 tỷ), Hàn Quốc (12 tỷ), Singapore (gần 23 tỷ), Úc (gần 46 tỷ) và Nhật Bản (264,2 tỷ!).

Chuyện tỷ giá đồng NDT nghe có vẻ ầm ĩ, những cũng chỉ là trò «chém gió» trong chính trường Mỹ. Năm qua, chính quyền Obama đã cố trì hoãn áp lực bảo hộ mậu dịch từ chính đảng Dân chủ khi Bộ Tài chính Mỹ ba lần từ chối kết luận là Bắc Kinh lũng đoạn ngoại hối và trợ giá xuất khẩu.

Hạ viện Mỹ có biểu quyết một đạo luật khiếu nại trước ngày bầu cử, nhưng thật ra vô giá trị vì Thượng viện (vẫn do Dân chủ nắm) chưa thông qua và Tổng thống đương nhiên là chưa ký. Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner tuy có nêu vấn đề ngoại hối nhưng lại thừa nhận do sai biệt lạm phát giữa hai nước nên thực chất đồng NDT đã lên giá 10% và chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở Bắc Kinh về tỷ giá!

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu trong tiệc trưa ngày 19/1 do phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và ngoại trưởng Hillary Clinton chủ trì.Ảnh: Xinhua/Xie Huanchi

Thực chất của những dị biệt

«Nuôi dưỡng và thúc đẩy lòng tin chiến lược» không thể là câu chuyện một sáng một chiều! Hai nguyên thủ đã «bắt mạch» rất đúng. Vấn đề bây giờ là «thuốc» và «thang» như thế nào cho con bệnh kinh niên này? Chính do thiếu lòng tin chiến lược với nhau nên quan hệ quân sự hai nước hiện đang thụt lùi rất nhiều so với quan hệ kinh tế và chính trị. Giờ là lúc phải đẩy «con sáo» ngoại giao sang sông!

Washington đã làm nhiều chuyện để ghi điểm cho chuyến thăm. Ngoại trưởng Hillary nói về Trung Quốc một cách rất ôn hòa và gọi quan hệ với Bắc Kinh là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất đối với Washington. Bộ trưởng Tài chính Geithner mềm mỏng một cách bất ngờ khi nói về đồng NDT. Bộ trưởng Quốc phòng Gates cũng cố gắng thỏa thuận khôi phục tiếp xúc quốc phòng bị gián đoạn.

Các quan chức Trung Quốc ít bình luận về chuyến thăm. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng trình diễn một số động thái mềm dẻo. Trung Quốc đã chủ động nâng tỷ giá đồng NDT lên mức tối đa trong 17 năm qua; tuyên bố bắt giữ 40 ngàn người vi phạm quyền sỡ hữu trí tuệ; chuẩn bị một gói lớn gồm 70 thỏa thuận xuất nhập khẩu trị giá hơn 45 tỷ usd mà hai bên vừa ký, trong đó có hợp đồng mua máy bay Boeing.

Nhưng điều có ý nghĩa quan trọng hơn quy chế chủ nợ hay vị trí thứ ba về thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ cũng như việc thảo luận vấn đề tỷ giá hay ký các hợp đồng kinh tế là cả Bắc Kinh lẫn Washington đã nắm bắt thời khắc quan trọng này để trao đổi một cách thành thật những ý định chiến lược trong quan hệ với nhau.

Nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, chỉ rõ căn nguyên của quan hệ phức tạp giữa hai nước chính là do vai trò địa-chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc và khả năng gây áp lực của Washington đối với Bắc Kinh ngày càng giảm.

Thực tế ngày càng rõ là Trung Quốc, về triển vọng sẽ trở thành một cường quốc gần với vị thế của Mỹ, hoặc ít nhất cũng là cường quốc chi phối khu vực của mình. Vấn đề là Washington có chấp nhận sự chuyển hóa này hay không, bởi vì một sự chuyển hóa như thế sẽ làm giảm ảnh hưởng của Mỹ.

Dường như Nhà Trắng nhận thức được toàn bộ tính chất gay cấn của vấn đề khi ngoại trưởng Hillary nhận xét: «Mối quan hệ của chúng ta hiện nay đang ở trên ngã ba đường quan trọng và tất cả các bước đi của chúng ta, lớn hay nhỏ đều định đoạt số phận của mối quan hệ này».

Cựu ngoại trưởng Henry Kissinger thì bình luận nghiêm trọng hơn: «Tùy thuộc vào việc Bắc Kinh và Washington có khắc phục được sự không tin tưởng lẫn nhau hay không, mối quan hệ hai nước có thể sẽ phát triển theo kịch bản mà quan hệ giữa Đức và Anh đã diễn ra vào đêm trước của hai cuộc chiến tranh thế giới».

Triển vọng quan hệ Trung-Mỹ

Có hai luồng dư luận về tương lai quan hệ khi chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào tới Mỹ kết thúc. Một số người kỳ vọng vào sự kiện được đánh giá là “mang tính lịch sử này” sẽ cải thiện được tình hình. Trong khi nhiều nhà quan sát khác tỏ ra thận trọng, không trông đợi nhiều từ kết quả chuyến thăm, ngoài những lời lẽ ngoại giao và các thoả thuận về kinh tế.

Wall Street Journal ngày 18/1 dẫn đánh giá của các nhà phân tích hàng đầu ở Mỹ cho rằng Mỹ-Trung có thể bước vào kỷ nguyên đối đầu mới.Giáo sư Aaron Friedberg (đại học Princeton), tác giả cuốn sách gây nhiều tranh luận: «Trận đấu giành vị thế siêu cường: Trung Quốc, Mỹ và cuộc tranh giành ngôi bá chủ ở châu Á» có thái độ bi quan trước triển vọng quan hệ.

Đưa ra một số kịch bản trong quan hệ quân sự/an ninh, ông kết luận cho dù kịch bản nào xẩy ra thì Trung Quốc ngày càng có ý thức rõ ràng về sức mạnh quân sự và kinh tế của mình và đã tạo thế thượng phong cho ông Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Mỹ hiện nay (Trình diễn tàng hình J-20 và các khí cụ sát thủ khác).

Sau nhiều lần trì hoãn và mặc cả, thượng đỉnh Trung-Mỹ đã diễn ra trong không khí thân mật nhưng chưa tạo được đột phá để giải quyết các bất đồng. Sau 7 lần tay đôi, giờ đây hai nhà lãnh đạo cạn chén chúc mừng nhau, nhưng có thể đó chỉ là chén ly bôi (chén chia tay).

Chuyến thăm hiện nay, theo nhận xét của Le Figaro (18/1) nhằm ghi nhận những lĩnh vực hai bên có thể hợp tác với nhau, chứ không thể thay đổi được chiều sâu của mối quan hệ.

Sau mười năm hòa dịu, quan hệ hai nước đang chuyển sang một khúc quanh bấp bênh. Nếu hai năm tới, Mỹ đỡ bận tâm về các cuộc chiến chống khủng bố, quay trở lại châu Á nhiều hơn, dĩ nhiên Bắc Kinh sẽ có những phản ứng gay gắt, như đã thấy trong năm 2010.

Về phần mình, tổng thống Obama nhận thức rõ thái độ ôn hòa nhưng không mang lại hiệu quả như vừa qua của ông sẽ dẫn đến nguy cơ thất cử (vào năm 2012).

Vì vậy, cho dù lời lẽ trong Tuyên bố chung cố gắng phản ánh thiện chí của đôi bên, nhưng do các nứt trượt về địa-chính trị và sự chuyển dịch quyền lực của thế giới từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, quan hệ Mỹ-Trung sẽ căng thẳng hơn trước, chính từ chuyến thăm này trở đi!

Theo TS Đinh Hoàng Thắng
tuanvietnam

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc