A Dục Vương (vua Asoka) là một trong những vị Vua vĩ đại nhất của Ấn Độ, ông sinh năm 304 TCN tại Pataliputra (nay là Patna, bang Bihar, Ấn Độ) thủ đô của đế quốc Maurya, là Hoàng tử con của vua Bindusara và Subhadrangi – là một Phi tần xuất thân khiêm tốn không có địa vị cao.
A Dục Vương vẻ ngoài không có gì đặc biệt, ẩn dấu bên trong là trí thông minh sắc sảo và ý chí mạnh mẽ. Đế quốc Maurya bấy giờ rất hùng mạnh, vua Bindusara có nhiều Hoàng tử và A Dục không phải là người được để ý nhiều cho việc truyền ngôi báu.
Lập công lớn: Dẹp loạn mà không dùng bạo lực
Lúc này Taxila (hay Takshashila) là một thành phố quan trọng nằm ở phía tây bắc của đế quốc Maurya, là trung tâm thương mại, văn hóa và học thuật nổi tiếng thời bấy giờ. Lúc bấy giờ dân chúng ở Taxila nổi loạn do bất mãn trước sự hà khắc của quan lại địa phương. Vua Bindusara nhận được tin cấp báo liền cử A Dục đi xử lý vụ việc ở Taxila.
A Dục đến Taxila mà không mang theo nhiều binh lính cho thấy ông không có ý định dùng vũ lực với dân chúng. Khi đến Taxila, A Dục lắng nghe lời người dân về tệ nạn mà đám quan lại gây ra. A Dục thay thế đám quan lại, tổ chức lại mới giúp vỗ yên dân chúng ở Taxila mà không cần dùng đến vũ lực. Sự việc này giúp A Dục có uy tín trong Triều đình và quân đội, nhiều vị quan đại thần trong Triều từ đó ủng hộ A Dục.
A Dục giúp ổn định được vùng Taxila, được các quan lại đánh giá cao và ủng hộ, khiến nhiều Hoàng tử khác lo lắng A Dục có người ủng hộ sẽ mạnh lên và có thể nối ngôi, vì thế mà tìm cách dèm pha với nhà Vua.
Lập công nhưng bị đi đày, lần đầu tiếp xúc với Phật Pháp
Vua Bindusara liền cử A Dục đến vùng Kalinga, đây là vùng xa xôi hẻo lánh, độc lập nằm ngoài lãnh thổ của Đế quốc Maurya, đến đây thực chất là đi đày.
Vua cũng đưa con trai trưởng yêu quý nhất của mình là Hoàng tử Susima cai quản Taxila, tuy nhiên Hoàng tử Susima cai quản Taxila không được lòng dân chúng, khiến các cuộc nổi loạn diễn ra.
Sau đó vùng Ujjain có cuộc nổi loạn, vua Bindusara cử A Dục đưa quân đến đánh dẹp. Mặc dù chiến thắng nhưng A Dục bị thương, được đưa đến một nơi bí mật chữa trị nhằm tránh tai mắt của Susima và các Hoàng tử khác.
A Dục được các Thiền sư Phật giáo chữa trị, đây là lần đầu tiên A Dục tiếp xúc với Phật giáo, chứng kiến sự siêu thường của Phật Pháp.
A Dục cũng gặp nàng Devi xinh đẹp, hai người kết thành vợ chồng. Devi là người kính ngưỡng Phật Pháp, sau này là người giúp đỡ cho A Dục rất nhiều.
Cuộc chiến giành ngôi Vua
Năm 272 vua Bindusara lâm bệnh nặng và sắp mất, bèn cho gọi Susima trở về Kinh thành. Trong khi đó một số các quan đại thần trong Triều lại ủng hộ A Dục lên ngôi đã tác động đến vua Bindusara.
Khi vua Bindusara mất, các Hoàng tử đã có một cuộc chiến để tranh giành ngôi Vua. A Dục cùng những người theo mình đã có một cuộc chiến ác liệt, loại hết phe cánh các Hoàng tử khác. Năm 268 TCN, A Dục chính thức lên ngôi Vua và thường được gọi là A Dục Vương, nàng Maharani Devi xinh đẹp trở thành Hoàng hậu.
Sau cuộc tàn sát đẫm máu, Phật Tính trỗi dậy
Sau khi lên ngôi, A Dục Vương thực hiện các cuộc tiến quân chinh phạt hết vùng đất này đến vùng đất khác.
Khoảng năm 261 TCN có tin những người chống đối A Dục Vương thua trận đã chạy trốn đến Kalinga, các quan trong Triều xin A Dục Vương cho quân đến đánh bắt. A Dục Vương nhờ Hoàng gia Kalinga bắt những người này, nhưng họ đã xem thường tối hậu thư đó.
A Dục Vương gửi quân đi đánh, nhưng quân của Maurya bị quân của Kalinga đánh bại.
A Dục Vương liền đích thân cầm đội quân đông đảo và mạnh mẽ nhất của mình tiến đánh Kalinga.
Quân Kalinga quả cảm chống lại, nhưng họ ít và yếu hơn quân. Quân Maurya có nhiều vũ khí tấn công hiệu quả cuối cùng đã chiến thắng, tiêu diệt và thiêu rụi Kalinga. Các tài liệu cho thấy có 100.000 người Kalinga thiệt mạng, còn Maurya có 10.000 quân tử trận.
Một ngày sau khi giành chiến thắng, A Dục Vương cưỡi ngựa dạo quanh phía đông thành phố, tận mắt nhìn thấy đám cháy thiêu rụi thành phố, xác người và máu ở khắp nơi, khung cảnh thật tang thương, đâu đó chỉ còn lại vài người Kalinga khóc thương cho người thân đã mất.
Trước khung cảnh này, Phật Tính của A Dục Vương trỗi dậy, ông tự hỏi mình đã làm gì thế này? Kỷ niệm lần bị thương ở Ujjain hiện lên, lần ấy ông được các Thiền sư cứu giúp, ai cũng mong ông khỏe mạnh, thế nhưng lần này chính ông lại gây ra thảm sát kinh hoàng ở Kalinga khiến 100.000 người chết.
Những bài học từ Phật Pháp khi ở Ujjain bỗng hiện về khiến A Dục Vương ân hận.
Sau cuộc tàn sát Kalinga, Hoàng tử và Công chúa con của A Dục Vương chán ghét bạo lực đổ máu và cả người cha của mình nên xin cha đi tu luyện theo Phật giáo, A Dục Vương đành chấp nhận.
Hoàng hậu Devi luôn ở bên cạnh khuyên nhủ A Dục Vương, giúp ông vượt qua nỗi ân hận sau cuộc thảm sát, trở lại trạng thái cân bằng và bắt đầu cho cuộc đời mới.
(Còn nữa)
Ánh Sáng
Tham khảo từ:
- “Asoka and the Decline of the Mauryas” của nhà sử học Romila Thapar
- “The Legend of King Aśoka” của nhà sử học Romila Thapar
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!