Home » Danh nhân, Tiêu Điểm, Văn hóa » Sejong: Vị Vua được tôn kính nhất trong lịch sử Hàn Quốc

Hàn Quốc là đất nước có chiều dài lịch sử 5.000 năm, trải qua nhiều Triều đại, nhưng Triều đại Joseon có ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa Hàn Quốc hiện nay.

Triều đại Joseon được thành lập bởi Lý Thành Quế vào năm 1392, Kinh đô được dời về Hán Thành (Seoul ngày nay) , đề cao Nho gia.

Vua Sejong

Cung Gyeongbok, Seoul. (Ảnh: Svdmolen, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Vị Vua thứ 3 của Joseon là Lý Phương Viễn, hiệu là Thái Tông (Taejong). Lý Phương Viễn có nhiều người con, nhưng Hoàng tử thứ 3 là Lý Đạo (이도, chữ Hán 李祹) sinh năm 1397 là thông minh hơn cả.

Thông minh vượt trội cùng tấm lòng yêu thương dân chúng

Lý Đạo từ nhỏ đã được dạy dỗ theo Nho gia, ông rất ham mê đọc các kinh điển của Nho gia là tứ thư và ngũ kinh, tương truyền có những cuốn kinh thư ông đọc cả trăm lần. Các thầy giáo nhiều lần bẩm báo với Lý Phương Viễn về việc học tập của các Hoàng tử, trong đó Lý Đạo thông minh hơn cả lại có trí nhớ vượt trội.

Trong dân gian Triều Tiên có lưu truyền những câu truyện Hoàng tử Lý Đạo ra ngoài thành, chứng kiến cuộc sống cực khổ của dân chúng, Hoàng tử giúp đỡ và đồng cảm với những người nghèo khổ, khi trở về Kinh thành ông thường hỏi những người thầy của mình cách giúp đỡ dân chúng, rồi dần dần các câu hỏi lại càng sâu hơn, trị quốc thế nào để dân chúng không còn nghèo khổ và được sung sướng?

Trong khi đó Hoàng tử cả là Dương Lệnh Đại Quân (Yangnyeong Daegun) vốn được truyền ngôi Thái tử, nhưng vì phóng túng nên đã bị Lý Phương Viễn truất ngôi Thái tử vào năm 1418, đồng thời trao ngôi Thái tử lại cho Lý Đạo khi ấy đã 21 tuổi.

Cũng năm 1418 Lý Phương Viễn đã già yếu nên quyết định trao ngôi cho Lý Đạo rồi làm Thượng Vương. Lý Đạo sau khi lên ngôi Vua lấy tên hiệu là Sejong.

Thực hiện chính sách giúp dân không còn khổ và được sung sướng

Năm 1419 Sejong đưa quân tấn công hải tặc Nhật Bản, làm chủ vùng biển Triều Triên. Lại đưa quân tấn công lên phía bắc tiến đánh người Mãn Châu thu hồi lại các vùng đất vốn của Triều Tiên trước đây.

Để thực hiện mong ước giúp dân chúng thoát khổ thuở nhỏ, vua Sejong thành lập “Tập hiền điện” (tức điện tâp hợp các bậc hiền tài) rồi tập hợp các bậc văn sỹ khắp nước vào làm việc ở “Tập hiền điện”, nghiên cứu dùng Nho gia giáo hóa dân chúng, khuyến khích học theo lời dạy của Khổng Tử, đồng thời đưa ra các kế sách giúp dân thoát khổ.

Nhiều cuốn sách được soạn từ “Tập hiền điện” giúp dân như “Nông sự trực thuyết” giúp dân làm nông nghiệp phù hợp với đất đai địa phương; sách “Hương ước tập thành phương” hướng dẫn dùng các cây thuốc chữa bệnh dễ tìm giúp người dân tự chữa bệnh trước khi cần đến thầy thuốc.

Chính sách giáo dục tìm bậc hiền tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc

Vua Sejong ban hành chính sách mới trên tất cả các lĩnh vực, trong đó quan trọng là chế độ thi cử nhằm tìm được hiền tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.

Xã hội trước đó vốn ưu ái cho tầng lớp quý tộc, trường dạy học cùng các kỳ thi khoa bảng cũng mở rộng cửa cho tầng lớp quý tộc, nhưng hạn chế với tầng lớp bình dân.

Vua Sejong muốn tổ chức các kỳ thi khoa bảng để chọn người hiền tài trong xã hội chứ không chỉ ưu ái cho tầng lớp quý tộc. Những người nghèo khổ cũng được khuyến khích đến trường.

Những ghi chép từ “Joseon Vương triều Thực lục” cho thấy đích thân Vua Sejong giám sát các kỳ thi khoa bảng nhằm chọn được bậc hiền tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.

“世宗九年,秋七月,上親臨試場,監試士人。試畢,上見多俊才中選,甚悅,賜首選者賞物,以勵學風”(Nguyên văn chữ Hán từ “Joseon Vương triều Thực lục”).

Dịch nghĩa: Năm thứ 9 thời Thế Tông (1427), vào tháng Bảy mùa thu, nhà Vua đích thân đến trường thi, giám sát việc thi cử của các sĩ tử. Sau khi kỳ thi kết thúc, nhà vua thấy nhiều nhân tài xuất sắc được chọn, rất hài lòng, ban thưởng vật phẩm cho những người đỗ đầu để khuyến khích phong trào học tập.

世宗二十三年,春正月,上命集賢殿學士,增開特科,選才俊,欲備編撰《訓民正音》。學士等遵旨,選得數人,皆精學勤敏 ”(Nguyên văn chữ Hán từ “Joseon Vương triều Thực lục”).

Dịch nghĩa: Năm thứ 23 thời Thế Tông (1441), vào tháng Giêng mùa xuân, nhà vua ra lệnh cho các học sĩ ở Tập Hiền Điện mở thêm kỳ thi đặc biệt, tuyển chọn nhân tài xuất sắc, nhằm chuẩn bị cho việc biên soạn “Huấn dân chính âm”. Các học sĩ tuân theo chỉ dụ, chọn được một số người, đều là những người tinh thông học vấn và chăm chỉ.

Các kỳ thi khoa bảng không chỉ để chọn tinh hoa trong giới quý tộc để phục vụ cho Triều đình như trước đây, các sĩ tử nhiều người xuất thân trong dân chúng, khi đỗ đạt làm quan vốn đã am hiểu đời sống dân chúng nên có những biện pháp phù hợp bảo vệ được tầng lới những người nghèo khó trong xã hội.

Các chính sách trên mọi lĩnh vực

Về quân sự Vua Sejong cho tạo ra các loại pháo, cùng mũi tên lửa, xây dựng quân đội vững mạnh bảo vệ đất nước.

Nhiều phát minh mới về kỹ thuật như “máy đo lượng mưa” vốn chưa xuất hiện trước đó, đồng hồ nước, đồng hồ mặt trời.

Bản đồ sao “Cheonsang Yeolcha Bunyajido” và lịch “Chiljeongsan” được biên soạn, giúp cải thiện dự báo thời tiết và lịch nông nghiệp, vốn rất quan trọng với một quốc gia xem nông nghiệp làm trọng.

Vua Sejong cũng thực hiện chính sách thuế để giảm gánh nặng cho dân chúng, áp dụng thuế linh hoạt dựa trên năng suất mùa vụ (thay vì cố định như trước)

Việc áp dụng những kiến thức và chính sách này dựa trên nền tảng Nho gia đã giúp sản lượng nông nghiệp tăng vọt, nạn đó giảm thiểu, đời sống dân chúng sung túc, thiên hạ ấm no thái bình, đây là thời kỳ thịnh thế nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Dân là mặt trời, tất cả là để phục vụ dân chúng

vua Sejon

Tượng vua Sejon. (Ảnh: Ewong17, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Vua Sejong thường nói rằng: “Dân là gốc rễ của quốc gia đồng thời là mặt trời của quân chủ”, đây là điểm khác biệt với các vị Vua khác vốn xem mình là mặt trời, vua Sejong xem dân không chỉ là gốc rễ mà còn là mặt trời, tất cả các hoạt động khác đều để nhằm phục vụ cho dân chúng.

Vua Sejong dùng Nho gia giáo hóa dân chúng tạo nên kỳ tích trong lịch sử. Sau khi ông mất, cả đất nước thương tiếc, dân chúng biết ơn gọi ông là Đại Vương (Daewang), thể hiện sự tôn kính đặc biệt vượt xa các vị Vua khác, ông là vị Vua được tôn kính nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Cuốn “Triều Tiên vương triều thực lục” (Joseongeo Wangjo Sillok) cho thấy dân chúng thường nhắc đến ông như một vị “Thánh quân” vì những đóng góp thiết thực cho đời sống họ.

Ngày nay tượng đài Sejong tại Gwanghwamun và Viện Nghiên cứu Sejong được xây dựng để tôn vinh ông. Hàn Quốc cũng có nhiều giải thưởng về văn học và học thuật mang tên Sejong.

Trần Hưng

Theo trithucvn2.net

Tham khảo:  “Joseon Vương triều Thực lục”  (Joseon Wangjo Sillok)

 

 

 

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc