Hơn 2000 năm trước khi những người Trung Quốc lần đầu tiên phát minh ra trò chơi mà sau này được gọi là bóng đá, đó chỉ là một thứ tiêu khiển không hơn không kém. Thậm chí, thế kỷ 19 khi người Anh bắt đầu nghiên cứu, phát triển môn bóng đá hiện đại nó vẫn là đơn thuần là một trò chơi. Trái bóng khi đó được xem là một trò giải trí của những thủy thủ Anh lúc rảnh rỗi và cứ thế nó len lỏi đi khắp thế giới. Nhưng hơn 100 năm sau, môn thể thao vua lại đang đứng trước nguy cơ đỗ vỡ khi người ta đang đưa nó đi chệch khỏi mục đích nguyên thủy ban đầu; coi nó là thứ công cụ để hút máu kiếm tiềm…
Đó là những gì đang xảy ra ở Liverpool hay Manchester United – những niềm tự hào lớn lao nhất của nước Anh, quê hương của bóng đá hiện đại. Sau 5 năm tiếp quản MU, nhà Glazer đang biến Nhà hát của những giấc mơ thành sân đấu của những vị chúa chổm. Theo điều tra của báo giới Anh hồi tháng 1, số nợ của công ty mẹ của Manchester United, Red Football Joint Venture đã lên tới 716,5 triệu bảng (ngoài ra bản thân nhà Glazer còn đang nợ khoảng 400 triệu bảng nữa). Hệ quả của món nợ khổng lồ này là Manchester United chết dần, chết mòn qua từng mùa giải.
“Hơn 500 triệu bảng là số tiền mà CLB đã phải bỏ ra trong 5 năm qua chỉ để cứu rỗi gia đình nhà Glazer. Con số đó là không thể chấp nhận được. Hãy nhìn vào tình hình của đội bóng: vài năm trước Paul Scholes thường chỉ đá 1 hiệp, nhưng giờ đây anh ấy đã phải cày ải cả 90 phút dù tuổi ngày càng cao. MU đã mua Bebe với giá 8 triệu bảng trong khi Rafael Van der Vaart cũng có giá tương tự, nhưng quỹ lương của chúng ta không đủ để thuyết phục anh ấy”. Tổ chức United Against Glazers (Hội CĐV của MU chống lại nhà Glazer) lên tiếng về tình hình nguy cập của CLB.
Rõ ràng, United Against Glazers không hề lo xa. Mới đây Quỷ đỏ vừa phải công bố mức lỗ kỉ lục lên tới 79,6 triệu bảng ở mùa giải năm ngoái. Trước đó ở mùa 2008/2009, MU cũng chỉ thoát khỏi cảnh thua lỗ (lãi 25,5 triệu bảng) nhờ việc cắn răng bán ngôi sao sáng nhất Cristiano Ronaldo cho Real Madrid với mức phí chuyển nhượng kỷ lục 80 triệu bảng.
Với mức lãi kếch xù mà MU phải trang trải cho nhà Glazer hàng năm rõ ràng sẽ rất khó để đội chủ sân Old Traffod thoát ra khỏi cảnh thu không đủ…trả nợ. Thế nhưng, đấy lại chẳng phải là điều nhà Glazers quan tâm, mục tiêu của họ đơn giản chỉ là bóc lột, kiếm được càng nhiều tiền từ “thân xác” MU càng tốt.
Chẳng đâu xa, cách Manchester chỉ 30 dặm (khoảng 45 km), Liverpool cũng đang ở trong tình cảnh tương tự, thậm chí còn là bi đát hơn. The Kop cũng phải gánh một khoản nợ khủng khiếp từ sự kiện 2 ông chủ người Mỹ Hicks và Gillet mua lại quyền sở hữu CLB.
Cũng giống như người đồng hương Glazer, mục tiêu của Hicks và Gillet cũng chỉ là đơn giản bòn rút càng nhiều càng ít. Điều đó thể hiện rất rõ qua việc 2 doanh nhân người Mỹ này cố đấm ăn xôi để trì hoãn việc phải nhượng lại Liverpool.
Ngay sau khi Tòa án tối cao của Anh đã ra phán quyết công nhận sự hợp pháp của việc Hội đồng quản trị Liverpool bán lại CLB cho NESV với giá 300 triệu bảng, Tom Hicks và George Gillett lại đã đâm đơn kiện ra Tòa án bang Texas (Mỹ) yêu cầu Chủ tịch Martin Broughton, GĐ điều hành Christian Purslow, GĐ thương mại Ian Ayre, ngân hàng RSB và NESV bồi thường thiệt hại 1 tỷ Bảng.
Lí do được bộ đôi người Mỹ đưa ra là những đối tượng ở trên đã cố tình đi đêm thực hiện vụ mua bán Liverpool thấp hơn giá thị trường hàng trăm triệu bảng. Thực tế luận cứ này đã được cặp đôi này đưa ra trong phiên tòa tại Anh song đã bị bác bỏ, khi Chủ tịch Martin Broughton đưa ra bằng chứng mức giá 300 triệu bảng mà NESV đã đề nghị là cao nhất tại thời điểm Hội đồng quản trị quyết định bán CLB (tỷ phú người Singpore Lim chỉ đưa ra 360 triệu bảng, khi vụ mua bán đã đạt được thỏa thuận và được công khai trên báo chí). Hơn nữa, xét về mặt pháp lý, một Tòa án ở Mỹ cũng không được phép can thiệp vào một vụ mua bán tại nước Anh, do người Anh quyết định.
Nói chẳng ngoa, những gì Hicks và Gillet làm chỉ là cố gắng làm mọi cách để không phải chia tay “con gà đẻ trứng vàng” mang tên Liverpool. Họ bất chấp tất cả để đạt được mục đích ấy, bỏ mặc một Liverpool đang hấp hối đã tụt xuống tận khu vực cầm đèn đỏ, phớt lờ những tiếng gào thét, rên rỉ của các CĐV.
“Họ làm tất cả những gì có thể để níu giữ lại ở Liverpool chỉ nhằm khiến tiền chảy vào túi riêng bằng việc bán đứt CLB mà không cần quan tâm tới nguyện vọng của người hâm mộ. Họ thực sự là những con quỷ tham lam”. Jay McKenna, người phát ngôn của nhóm CĐV “Tinh thần của Shankly” khẳng định.
Cần nhớ rằng, khi Berlusconi, Moratti, Abramovich hay mới nhất là Sheikh Mansour đến với AC Milan, Inter Milan, Chelsea và Manchester City, họ đều đặt tình yêu CLB, xa hơn là tình yêu với bóng đá lên hàng đầu.
Với họ bóng đá đơn thuần chỉ là một cuộc chơi. Bỏ lại sau lưng mọi thách thức, quả đắng, họ vẫn dốc tâm huyết, tiền bạc vào cuộc chơi ấy một cách rất vô tư (Moratti đã phải đợi 11 năm cho Scudetto đầu tiên, 15 năm cho danh hiệu Champions League).
Chỉ có thứ tình yêu trong sáng, thuần khiết ấy mới là nền tảng làm nên những thành công. Còn ngược lại nếu người ta cứ coi bóng đá là công cụ để sinh lợi nhuận bằng mọi giá thì đó chẳng khác nào chuyện bức tử các đội bóng một cách từ từ.
Làm ơn, hãy để bóng đá là trò chơi. Để những niềm tự hào còn mãi!
Theo bongdaso
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!