Home » Thế giới » Mỹ siết chặt vành đai quân sự bao vây Trung Quốc

Mỹ đang có kế hoach triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới căn cứ quân sự Guam, đồng thời tổ chức lại lực lượng tại châu Á -TBD.

Theo tờ South China Morning Post ngày 11/12, trong năm 2014, Mỹ sẽ tăng cường lực lượng quân sự đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời triển khai thêm hệ thống THAAD trên đảo Guam.

Hệ thống THAAD bao gồm một bệ phóng gắn trên xe tải, các tên lửa đánh chặn, một radar theo dõi AN/TPY-2 và một hệ thống kiểm soát khai hỏa tích hợp.  

 

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ

   

Mỹ trước đây đã triển khai hệ thống THAAD và các tên lửa đánh chặn Patriot ở Guam, nay có kế hoạch triển khai thêm THAAD với lý do đề phòng nguy cơ tấn công tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng động thái này của Mỹ là nhằm để đối phó với Trung Quốc.

“Mặc dù Mỹ nói là đề phòng Triều Tiên, nhưng thật ra là đề phòng những cuộc tấn công từ Trung Quốc”, South China Morning Post dẫn lời nhận định của ông Go Ito, giáo sư ngành quan hệ quốc tế của Trường đại học Meiji (Nhật Bản).

“Triều Tiên có tên lửa nhưng hiện đang bất ổn bên trong nội bộ chính quyền Bình Nhưỡng, còn Trung Quốc đã phát triển tên lửa nội địa, đây là mới chính là mối lo ngại lớn hơn đối với Mỹ”, theo ông Ito.

Thiếu tướng Mark Montgomery, Tư lệnh Đội tác chiến tàu sân bay USS George Washington và lực lượng chiến đấu của Hạm đội 7, hồi tháng 10/2013, cho biết mặc cho ngân sách quốc phòng eo hẹp nhưng Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường triển khai các tàu chiến và chiến đấu cơ tại châu Á – Thái Bình Dương trong năm tới.

Theo kế hoạch xoay trục sang châu Á, Thái Bình Dương, Mỹ đã lập một vành đai các căn cứ quân sự nhằm bao vây Trung Quốc. Những căn cứ này đúng là chiếc thòng lọng mà người Mỹ đeo vào cổ Trung Quốc khiến Trung Quốc cảm thấy vô cùng ngột ngạt.

Mỹ hình thành 3 tuyến phòng ngự chiến lược để đối phó với Trung Quốc: Tuyến thứ nhất ở sát lãnh thổ Trung Quốc, dựa vào các căn cứ quân sự tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, phối hợp với Đài Loan và căn cứ hải quân Singapore. Tuyến thứ hai gồm các căn cứ Guam và Hawaii, phối hợp với các căn cứ tại Australia. Tuyến thứ ba gồm các căn cứ tại California và Alaska.

Cụ thể, tại Úc, không quân Mỹ sẽ triển khai luân phiên máy bay chiến đấu, máy bay tiếp liệu, và trong tương lai có thể là máy bay ném bom, theo tướng Carlisle. Có khả năng trong năm 2014, máy bay chiến đấu sẽ bắt đầu được triển khai tại căn cứ không quân Darwin, vốn đã đông đúc Thủy quân lục chiến Mỹ, trước khi chuyển đến căn cứ Tindal gần đó.

Tại Philippines, trước những hành động leo thang trong tranh chấp chủ quyền với Philippines của Trung Quốc đã khiến quốc gia này quyết định mở cửa vịnh Subic, biến thành một quân cảng nước sâu, và quân đội Mỹ đã chắc chắn có sự hiện diện tại đây.

Subic cũng là một quân cảng có vị trí chiến lược, từ Subic có thể kiểm soát dễ dàng vùng biển của Trung Quốc, và phối hợp nhịp nhàng với Nhật Bản, Hàn Quốc tạo thành sức mạnh của chuỗi đảo thứ nhất trong chiến lược hàng hải của Mỹ.
Không dừng ở Subic, với lý do quân cảng này quá tải, Mỹ và đồng minh Philippines tiến đến một Subic thứ hai- Vịnh Oyster.
Khác với Subic, vịnh Oyster hướng thẳng ra biển Đông và có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng của Philippines. Chính phủ Mỹ cũng đã rót tiền đầu tư vào quân cảng này. Tờ Asia Times đánh giá, Oyster sẽ là một “viên ngọc chiến lược” trong quan hệ Mỹ – Philippines.
Như vậy, riêng với Philippines, Mỹ đã có hai “viên ngọc” trong chiến lược chuyển trục châu Á – Thái Bình Dương mà Tổng thống Obama đề ra.

Tại Nhật Bản, ngày 29/11, Hải quân Mỹ đã triển khai máy bay trinh sát tinh vi P-8A Poseidon đến Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không. Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai loại máy bay tuần tiễu chống ngầm thế hệ mới nhất này ở nước ngoài.

Mục tiêu của việc bố trí lại các tuyến căn cứ quân sự trên lãnh thổ Mỹ và các nước đồng minh ở Đông Á-Tây Thái Bình Dương-Australia là để kiểm soát việc hải quân Trung Quốc tiếp cận các vùng biển quốc tế. Mục tiêu tổng quát là ngăn chặn hiệu quả việc Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải và tạo sự răn đe tiềm ẩn đối với Trung Quốc.

Như vậy, thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, quân sự Mỹ đang tăng cường hiện diện ở các nước châu Á và Biển Đông.

 

 

 

 

theo datviet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc