Các quốc gia láng giềng và dư luận thế giới luôn tỏ ra lo ngại về hoạt động hàng hải ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Nước này cần có chính sách hoạt động trên biển thực sự minh bạch, tránh đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh trong tương lai.
Cởi mở về ý định của mình là cách tốt nhất mà Trung Quốc có thể làm để giảm bớt mối bận tâm của thế giới về sức mạnh ngày càng tăng của họ. Việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong quá trình tăng cường năng lực hải quân cũng như thái độ cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã gây ra sự căng thẳng, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và chạy đua vũ trang trong khu vực.
Theo một lời bình luận gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ tăng khả năng “bảo vệ quyền hàng hải” trong khi vẫn tiếp tục tìm kiếm lợi ích chung với các nước láng giềng. Lời bình luận này được tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post, xuất bản tại Hong Kong) nhận định là “hữu ích”, tuy nhiên, ông Tập cần phải chi tiết hóa nhiều hơn nữa vị trí của Bắc Kinh trong khu vực để giảm bớt sự lo lắng của thế giới.
![]() |
Tàu sân bay Liêu Ninh – biểu tượng sức mạnh mới của Hải quân Trung Quốc |
Trong một cuộc họp Bộ Chính trị vào tháng này, ông Tập Cận Bình đã khẳng định lại tuyên bố của mình tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18 diễn ra vào tháng 11/2012, rằng Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng một lực lượng hải quân mạnh mẽ và trở thành một cường quốc biển.
Ông Tập nói rằng các quyền hợp pháp và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc sẽ không bao giờ bị bỏ rơi, nhưng cũng hứa sẽ đàm phán và đưa ra các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Một chính sách “hợp tác cùng phát triển tại các khu vực mà Trung Quốc có chủ quyền” cũng được kiên định thực hiên. Đây là một phương pháp hết sức nhạy cảm, có thể mang lại những hậu quả khôn lường, vượt quá xa mức độ xung đột hiện có trong khu vực.
Đây không phải là quan điểm mới mẻ của một thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc. Cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng cho rằng tranh chấp lãnh thổ nên để dành cho các thế hệ tương lai giải quyết và đề nghị các quốc gia có xung đột cùng nhau phát triển ở khu vực tranh chấp vì “lợi ích chung”.
Chính sách này đã không đánh lừa được các quốc gia tranh chấp với Trung Quốc, cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông và biển Hoa Đông – những vùng biển giàu tài nguyên và là tuyến đường biển quan trọng của cả thế giới. Các nước đã nhận ra sự phát triển của Hải quân Trung Quốc và lực lượng này đã có mặt tại các cảng biển sâu ở Ấn Độ Dương nhằm tìm kiếm một chỗ đứng trong các khu vực thương mại hàng hải cũng như các tuyến đường biển chiến lược.
Trong tuần trước, Trung Quốc đã khánh thành một cảng container trị giá 500 triệu USD tại Colombo, ngang tầm với các cảng biển ở Singapore và Dubai. Một trong những biểu hiện bành trướng về cả kinh tế và quân sự của nước này, khiến các quốc gia khác tỏ ra khó chịu và phòng bị.
Một ý định của Bắc Kinh về tham vọng trở thành cường quốc biển được biểu hiện khá rõ ràng chính là việc công bố bắt đầu triển khai việc tự đóng con tàu sân bay đầu tiên do các nhà máy trong nước thực hiện. Cũng giống như sự tham gia của Trung Quốc trong các hoạt động cảng biển, sẽ không có gì ngạc nhiên khi một quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đi đầu trong kỹ năng kỹ thuật, xây dựng và quản lý muốn phát triển.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng kết luận, có một dấu chấm hỏi lớn đối với tính minh bạch trong các hoạt động của Trung Quốc ở bên ngoài. Chính quyền Bắc Kinh sẽ phải làm rõ điều này để tránh được những hậu quả khôn lường về sau trên trường quốc tế. Bởi, những ý định mơ hồ sẽ luôn tạo ra sự nghi ngờ cho người khác.
Theo Infonet
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!