Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo hôm 9/8 rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều mong muốn sử dụng mô hình tàu sân bay trên mặt đất tại Crimea nhằm đào tạo đội ngũ phi công cho lực lượng hải quân.
![]() |
Mô hình tàu sân bay trên mặt đất tại Crimea của Ukraine |
Hồi giữa tháng Bảy, trả lời hãng tin RIA Novosti, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Mátxcơva chính thức thông báo với Kiev về việc ngừng sử dụng mô hình tàu sân bay trên mặt đất tại Crimea mang tên Nitka hết năm 2013.
“Nhiều quốc gia đang tỏ ra đặc biệt quan tâm tới việc thuê lại Nitka bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước khác”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine – Volodymyr Mozharovskiy nói.
Tuy nhiên, cho tới nay, Ukraine chưa ký kết thỏa thuận cho các quốc gia trên thuê lại Nitka. Ngoài ra, Nga cũng chưa chính thức loại trừ khả năng tiếp tục sử dụng cơ sở Nitka trong tương lai. Do đó, hiện nay, Ukraine – Nga vẫn đang tiếp tục đàm phán về vấn đề này.
Hồi tháng Ba, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Ukraine – Oleksandr Oleinik cũng cho biết Kiev đang cân nhắc phương án nhượng quyền sử dụng cơ sở Nitka cho các quốc gia khác.
Theo hiệp ước song phương ký kết năm 1997, Nga ngẫu nhiên được sử dụng mô hình tàu sân bay trên mặt đất Nitka – cơ sở trên mặt đất duy nhất chịu trách nhiệm đào tạo phi công lái máy bay cánh cố định trang bị trên tàu sân bay của Nga.
Hồi tháng Năm, Tư lệnh Hải quân Nga – Đô đốc Viktor Chirkov khẳng định mô hình tàu sân bay trên mặt đất đào tạo phi công hải quân gần Yeisk trên bờ Biển Đen của Nga sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động trong năm 2014. Cơ sở Yeisk được Nga tự thiết kế và xây dựng sau những bất đồng với Ukraine về quyền sử dụng Nitka.
Trung tâm Nitka được Liên Xô cũ xây dựng nhằm giúp các phi công thực hành kỹ năng cất cánh và hạ cánh trên mặt tàu sân bay thật. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô cũ tan rã vào năm 1991, cơ sở Nitka nằm dưới quyền kiểm soát của Ukraine.
Trung tâm Nitka mô phỏng thiết kế giống hệt một tàu sân bay thật bao gồm một đường băng với ống phóng, dây hãm tốc độ máy bay, bộ định vị đường bay, pha vô tuyến sân bay và hệ thống quang học trợ giúp hạ cánh.
Hiện nay, Ấn Độ đang đếm từng ngày đón nhận một tàu sân bay được Mátxcơva tân trang, tích hợp hoạt động với các chiến đấu cơ MiG-29K của Nga.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện mới chỉ có duy nhất một tàu sân được Hải quân nước này đưa vào sử dụng lần đầu tiên hồi năm ngoái song lại thiếu kinh nghiệm triển khai hoạt động các thế hệ máy bay cánh cứng.
Theo Infonet
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!