Home » Xã hội » Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học?
Bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH lại được nóng lên tại Hội nghị tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức. Điều đặc biệt, người nêu ra ý kiến này là một nhà giáo dục từng nhiều năm tham gia giảng dạy và quản lý tại ĐH Thương mại – GS. TS Nguyễn Thị Doan. “Đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ ki thi tốt nghiệp THPT vì thực tế kết quả tốt nghiệp rất cao.” – Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.

>> Bộ GDĐT “từ chối” bỏ thi tốt nghiệp THPT

>> Phó Chủ tịch nước trăn trở về những tồn tại trong giáo dục

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đây cũng là vấn đề đặt ra từ lâu và đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ bạn đọc.

Về phía những người đồng tình, lý do đưa ra là thứ nhất, không nên có hai kỳ thi liên tiếp, gần nhau như vậy bởi nó tạo áp lực lên học sinh, phụ huynh và toàn thể xã hội.

Lý do thứ hai, tỉ lệ tốt nghiệp tại các kỳ thi này thường rất cao, nhiều địa phương con số này lên đến 98-99%. Có trường cả một kỳ thi với hàng trăm học sinh, tốn kém thời gian, tiền của rất lớn nhưng kết quả chỉ loại ra vài ba em nên là điều bất hợp lý.

Thứ ba, có quá nhiều những tiêu cực nảy sinh từ kỳ thi này như thí sinh thì quay cóp tràn lan, phụ huynh thì đóng tiền “chống trượt” cho con, thày cô dễ dãi, thậm chí có hiện tượng tiếp tay cho những hành vi tiêu cực.

Vụ việc khống chế “trần” cho tỉ lệ tốt nghiệp vừa qua của Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng gây không ít bức xúc trong dư luận.

Đó là chưa kể một khoản ngân sách khổng lồ từ phụ huynh và nhà nước phục vụ cho kỳ thi rất thiếu chính xác này.

Tuy nhiên, những người ủng hộ kỳ thi này lập luận rằng có học phái có thi. Không thi, không có cơ sở để đánh giá chất lượng của việc dạy và học. Mà khi không có cơ sở đánh giá, làm sao có thể điều chỉnh chương trình cho phù hợp… 

Về những tiêu cực, đúng là tình trạng tiêu cực đang rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc chống tiêu cực trong thi cử là việc chống tiêu cực trong thi cử. Chưa làm tốt thì phải làm tốt. Không thể vì không chống được tiêu cực mà bỏ cả một kỳ thi quan trọng. Không nên có suy nghĩ không quản được thì cấm, không làm được thì bỏ. 

Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại bởi hiện không còn kỳ thi chuyển cấp tiểu học và THCS nữa, chỉ còn duy nhất một kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu bây giờ bỏ nốt kỳ thi này thì sẽ rất nguy hiểm. 

Không ít ý kiến còn cho rằng cần thắt chặt kỳ thi tốt nghiệp để tiến dần tới không thi tuyển sinh đại học mà sẽ quản chặt chẽ đầu ra đại học. Tức là làm ngược với qui trình “chặt đầu vào, lỏng đầu ra” hiện nay. 

Về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời trả lời VNN ngày 1/8 khẳng định: “Trong hoàn cảnh hiện nay nếu không thi tốt nghiệp THPT chất lượng dạy và học sẽ đi xuống”. 

Thứ trưởng Hiển cũng cho biết: “Bộ GD-ĐT đã và đang tổ chức nghiên cứu và đưa định hướng đổi mới các kỳ thi-công nhận tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH và Đề án Đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục – Đào tạo Việt Nam cũng như Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau 2015. Sau khi các đề án này được thông qua, phê duyệt, Bộ sẽ công bố phương án đổi mới để xin ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trước khi quyết định chính thức”.

Hiện tại, bài toán thi tốt nghiệp THPT rất khó có lời giải thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu. Nếu để như tình trạng hiện nay thì không thể được nhưng nếu bỏ thì lại cũng không được bởi chất lượng giáo dục của ta đã thấp, lại “đi xuống” như lời Thứ trưởng Hiển thì quả là điều không thể chấp nhận.

Theo các bạn, có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp và liệu có phương án nào hợp lý hơn không?

Bùi Hoàng Tám

Theo dantri

Chuyên đề:

4 ý kiến dành cho “Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học?”

  1. buôn dưa 05/08/2013

    “vô lý” mà lại hóa ra “có đầy lý”
    Tất cả cùng tồn tại một cách vui vẻ … hihi

    Reply
  2. khai ô ô 05/08/2013

    chưa cải tiến cách tuyển sinh của các trường đại học thì đừng nói bỏ thi PTTH

    nếu bỏ thi PTTH thì chắc số sĩ tử thi trượt ĐH còn nhiều hơn nữa!

    Reply
  3. Tina 06/08/2013

    Hiện tại không nên bỏ kỳ thi TNTHPT mà nên giảm số lượng mon xuống chỉ còn 3 hoặc 4 môn và giao tất cả các khâu từ A đến Z cho các Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm tự đánh giá chat lượng của Sở mình và tìm cách điều chỉnh cho phù hợp

    Reply
  4. nguyenxuanhoang 07/08/2013

    Bỏ kỳ thi THPT là hoàn toàn sai lầm. Đúng như thứ trưởng Hiển nói. Chất lượng giáo dục sẽ về đâu. Càng đi xuống là chắc rồi. Nếu bỏ hãy bỏ kỳ thi đại học mà để cho các trường đại học tổ chức thi tuyển. Họ phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Không phải có bằng đại học thì được đi làm và vào biên chế. Đó mới là sách lược cơ bản đào tạo và sử dụng nhân tài.

    Reply

Ý kiến bạn đọc