Trong lúc Trung Quốc liên tục tập trận chiếm đảo Biển Đông; Mỹ đang đưa tàu chiến tới điểm nóng này.
Trung Quốc gây hấn ở biển Đông, liên tục tập trận chiếm đảo Biển Đông
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, 1 tàu đổ bộ, một tàu khu trục cùng 2 tàu hộ vệ thuộc biên chế hạm đội Nam Hải đã kéo ra “một vùng biển X” ở Biển Đông tập trận dưới sự chỉ huy của Tưởng Vĩ Liệt, Tư lệnh Hạm đội Nam Hải.
![]() |
Lính Trung Quốc tập trận đổ bộ chiếm đảo tại “một hòn đảo” ở Biển Đông |
Một bản báo cáo đã được gửi về Bộ Ngoại giao Philippines cho hay, biên đội tàu chiến hạm đội Nam Hải đã tiến vào vùng biển tranh chấp ở khu vực quần đảo Trường Sa để tập trận.
Trong một động thái có liên quan, hôm nay 22/3 Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục cập nhật về hoạt động tập trận của hạm đội Nam Hải ở Biển Đông, theo đó lúc 9 giờ 30 phút sáng hôm qua 21/3, khoảng 100 lính thủy quân lục chiến Trung Quốc đã đổ bộ lên “một hòn đảo” ở Biển Đông.
Đây là nội dung bài tập đổ bộ chiếm đảo, thủy quân lục chiến hạm đội Nam Hải xuất phát từ tàu đổ bộ Cảnh Cương Sơn, chia 2 đường không – biển đổ bộ lên hòn đảo này bằng trực thăng vũ trang và thủy phi cơ. Hạm đội Nam Hải sẽ còn tiếp tục tập trận ở Biển Đông và sau đó sẽ kéo ra Tây Thái Bình Dương.
Đây là cách đưa tin thường thấy của truyền thông Trung Quốc. Tập trận, chiếm đảo hoành tráng ở biển Đông nhưng không bao giờ rõ vị trí, đòn gió và đòn thật đan xen như một phép thử tâm lý.
Philippines, Mỹ phái tàu chiến
Trước tin tập trận của Trung Quốc, Philippines đã phái tàu hải quân cùng lực lượng Cảnh sát biển tuần tra trong khu vực Manila tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để canh chừng biên đội tàu chiến hạm đội Nam Hải, Trung Quốc.
Tờ Inquirer ngày 22/3 đưa tin, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Raul Hernandez hôm 21/3 cho biết Philippines đã phái tàu hải quân cùng lực lượng Cảnh sát biển tuần tra trong khu vực Manila tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để canh chừng biên đội tàu chiến hạm đội Nam Hải, Trung Quốc có thể xâm nhập và tập trận trái phép.
Bên cạnh đó, tàu chiến Mỹ cũng đã đưa tới Biển Đông. Mỹ đã triển khai lớp tàu chiến mới được thiết kế để chiến đấu ở khu vực ven biển.
Điều này cho thấy chính sách chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á, đối phó với Trung Quốc của Mỹ đã bắt đầu thực tế hơn, có hành động hơn là những tuyên bố.
![]() |
Tàu chiến duyên hải USS Freedom của Mỹ. |
Ngày 20/3, tàu chiến USS Freedom đã vượt qua Tây Thái Bình Dương và đang trên đường tới Singapore, nơi tàu chiến này sẽ được triển khai trong 8 tháng tới. Cuối cùng, 4 tàu chiến duyên hải sẽ hoạt động liên tục tại Căn cứ Hải quân Changi của Singapore, gần Biển Đông.
Tàu chiến USS Freedom cùng những tàu chiến khác được triển khai ở Singapore được thiết kế để có thể chạy nhanh, tàng hình và tương đối rẻ. Dự kiến, chúng sẽ hoạt động ở những vùng nước nông hoặc gần với các khu vực duyên hải, nơi những tàu sân bay và những tàu chiến lớn khác đang ngày càng dễ bị tổn thương bởi hệ thống tên lửa và máy bay trên bờ.
Tạp chí Time cho biết, những chiếc tàu chiến mới này có thể được trang bị thiết bị phục vụ việc dò mìn, tiến hành chiến tranh trên mặt đất hoặc các hoạt động chống tàu ngầm. Hải quân Mỹ kế hoạch mua 55 tàu chiến với giá 420 triệu USD mỗi tàu. Hầu hết những tàu này sẽ được triển khai khắp khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Ông Tetsuo Kotani, một chuyên gia an ninh hàng hải tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, tại Tokyo, cho biết những tàu chiến duyên hải thể hiện thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc. Tàu sẽ hoạt động ở eo biển Malacca, nơi 40% tàu thương gia của thế giới đi qua và các vùng nước nông ở khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.
“Việc triển khai tàu USS Freedom không chỉ mang tính biểu tượng mà còn có ý nghĩa quan trọng về khả năng chiến đấu. Tương lai của châu Á phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc tôn trọng hay thách thức việc triển khai này”, ông Kotani nói trong chuyến thăm tàu Freedom tại Trân Châu Cảng ở Hawaii tuần trước.
Theo tạp chí Time của Mỹ, những lo lắng về khả năng quân sự đang ngày càng lớn mạnh cũng như tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc là lý do chủ yếu đằng sau kế hoạch xây dựng hay “tái cân bằng” lực lượng quân sự trong khu vực của Mỹ.
theo datviet
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!