Home » Thế giới » Tranh cãi trong vấn đề chính phủ Úc nhận người tị nạn

Vừa qua, chính phủ Úc đã cắt giảm con số 315.000 người nhập cư năm 2008 xuống chỉ còn 180.000 người mỗi năm trong vòng 3 năm tới. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh cãi về chính sách dành cho người tị nạn vẫn chưa ngã ngũ, làm cho nhập cư trở thành chủ đề chính trị nóng bỏng hơn.

[title]

Thỏa thuận trao đổi người tị nạn với Malaysia với ngân sách 30,5 triệu đô-la vào năm 2011-2012 và dự kiến sẽ tăng 79 triệu đô-la trong năm 2014-2015. (Ảnh do Michael Neist cung cấp)

Thỏa thuận trao đổi người tị nạn với Malaysia

Hiện đang có một chiếc tàu chở 25 người xin tị nạn dự kiến sẽ đến đảo Christmas, Úc, vào thứ Hai tuần tới. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa rõ nước nào sẽ tiếp nhận số người tị nạn này khi chính quyền Úc chưa đưa ra kế hoạch cụ thể về thủ tục cho người tị nạn tạm trú ở Malaysia hay Papua New Guinea.

Số 25 người này sẽ là những người tị nạn đầu tiên được áp dụng phương cách chính quyền Úc vừa đưa ra. Theo kế hoạch này, Malaysia sẽ cho những người muốn tới Úc bằng tàu thuyền được tạm trú trên lãnh thổ nước này trong khi họ chờ được Liên Hiệp Quốc xét duyệt tư cách tỵ nạn và Úc quyết định cho nhập cư.

Mới đây Thủ tướng Úc Julia Gillard loan báo Malaysia đã đồng ý tiếp nhận 800 người xin tỵ nạn tại Úc và những người này sẽ được Liên Hiệp Quốc xét duyệt. Đổi lại, Úc đồng ý nhận 4000 người đã được xét duyệt tư cách tỵ nạn trong thời gian họ tạm trú trên lãnh thổ Malaysia.

Thái Lan cho rằng đây có thể là mô hình tham khảo cho những nước khác trong vùng.

Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya cho biết: “Thỏa hiệp giữa Úc và Malaysia dựa vào tỉ lệ 5-1 là một trong những mô hình chúng ta nên xem xét và học hỏi vì chúng ta có thể sẽ phải ứng dụng mô hình này trong tương lai”.

Trong khi đó, một thăm dò ý kiến người dân trên các tờ báo của Úc cho thấy trong 10 người dân Úc thì có đến 6 người phản đối thỏa hiệp giữa chính phủ Úc và Malaysia. Nhiều người tin rằng những giàn xếp như thế này sẽ chẳng có tác dụng bao nhiêu trong việc ngăn chặn người xin tị nạn đến bằng đường biển.

Xét trên bình diện quốc tế, lượng người xin tị nạn tại Úc chỉ là con số khiêm tốn. Tuy nhiên, đây chính là một trong những yếu tố khiến người dân Úc không ủng hộ chính quyền của đương kim Thủ tướng Gillard.

Thỏa thuận giữa chính quyền Úc với Malaysia được thông báo chỉ vài ngày trước khi Bộ trưởng Ngân khố Wayne Swan công bố bản Ngân sách Quốc gia Úc 2011-2012 mà chính quyền Úc hy vọng sẽ thu hút sự chú ý của công chúng thay vì chính sách tị nạn.

Thủ lĩnh Đảng đối lập Tony Abbott tỏ ra ngạc nhiên về thời điểm bà Gillard chọn để công bố kế hoạch này.

Ông Abbott phát biểu: “Không có một thủ tướng đáng tín nhiệm nào lại làm thương tổn uy tín của bộ trưởng ngân khố của nước mình như bà Gillard. Bà đã công bố chính sách bảo vệ biên giới chỉ một hay hai ngày trước khi bản Ngân sách Quốc gia được thông qua. Tôi thực sự không hiểu bà Gillard có ý gì khi chỉ ít ngày trước khi ông Bộ trưởng Ngân khố công bố bản Ngân sách Quốc gia, bà Thủ tướng công bố Chính sách Trao đổi với Malaysia về vấn đề Thuyền nhân. Chính sách Trao đổi này đã gặp thất bại trước đây rồi”.

Lao động trong nước và nguồn nhập cư

Bộ trưởng Ngân khố Wayne Swan lên tiếng trong một buổi ăn trưa tại Sydney cho rằng nhu cầu của Trung Quốc muốn nhập nguyên liệu từ Úc sẽ làm tăng nhu cầu lao động.

“Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nước Úc. Tuy nhiên, năng suất kinh tế sẽ phần nào bị ảnh hưởng và tất nhiên cũng tạo nhiều áp lực đến lực lượng lao động trong nước”, Bộ trưởng Swan phát biểu.

Bên cạnh việc phác thảo kế hoạch đầu tư vào huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp và đổi mới chính sách phúc lợi để đương đầu với các áp lực nêu trên, Bộ trưởng Swan không đề cập nhiều đến kế hoạch cho 16.000 người nhập cư vào Úc trong năm tới trong bối cảnh dân chúng Úc vẫn đang tranh luận gay gắt về chính sách giải quyết vấn đề người tị nạn.

Vào thứ Sáu tuần qua, chính phủ Úc cũng đã công bố Chiến lược Phát triển Dân số Bền vững nhưng không cho biết mục tiêu dân số là bao nhiêu, dẫn đến việc Đảng đối lập xem đây là một trò vá víu có tính cách tạm bợ. Trong khi đó, con số 315.000 người nhập cư vào Úc trong năm 2008 dự đoán sẽ giảm xuống chỉ còn 180.000/năm trong 3 năm tới.

Bà Gillard lên tiếng bảo vệ quyết định tạm ngưng gia tăng dân số Úc. Bà phát biểu: “Chúng ta đã nói là dựa vào điều kiện kinh tế trong nước, Úc sẽ quyết định số người nhập cư mỗi năm. Vì thế chúng ta sẽ đưa ra quyết định cần thiết cho mỗi năm nhằm giúp Úc đương đầu với các thay đổi trong nền kinh tế và áp lực lạm phát. Tuy nhiên, như tôi đã nói, chúng ta không giải quyết vấn đề thiếu lao động lành nghề bằng việc chấp nhận toàn bộ người nhập cư trong khi chỉ riêng tại Perth đã có đến 10% thanh niên không có việc làm. Chúng ta không thể chấp nhận để cho số thanh thiếu niên này thất nghiệp trong vòng 40 hay 50 năm chỉ vì họ không có cơ hội học việc. Vì vậy, tăng cường và nâng cao kỹ năng cho lao động trong nước là một giải pháp cho nhu cầu lao động tay nghề của Úc. Đó chính là cốt lõi của Ngân sách Quốc gia lần này. Đây cũng là cuộc cách mạng về nguồn nhân lực mà tôi đang thực hiện. Tất nhiên, chúng ta vẫn cần một số lượng người nhập cư tay nghề cao trong một số lĩnh vực nhất định, và chúng tôi sẽ mau chóng ấn định số người này”.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc