Ăn các loại thức ăn có nhiều cholesterol như lòng heo, lòng gà, tôm, cua và trứng có an toàn không? Nếu lượng mỡ trong máu ở mức bình thường, thỉnh thoảng ăn một lần không sao. Nhưng nếu có lượng mỡ trong máu cao, bạn nên hạn chế các loại thức ăn kể trên. Nếu muốn chắc chắn, nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Song song với chuyện hút thuốc, cao huyết áp, thừa cân, mỡ trong máu (cholesterol) cao càng làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch hoặc tai biến mạch máu não. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp và vận động thường xuyên sẽ giữ cho lượng mỡ trong máu ở mức bình thường.
Cholesterol là gì?
Cholesterol hay mỡ trong máu do cơ thể sản xuất ra. Một số loại thức ăn cũng có chứa cholesterol. Cơ thể mỗi người đều cần loại mỡ này để giúp cho sức khỏe bình thường, nhưng nếu có nhiều quá thì lại nguy hiểm.
Máu nếu chứa quá nhiều cholesterol có thể làm nghẹt các mạch máu nuôi và giảm dưỡng khí đến tim và não. Cơn đau tim xảy ra khi các mạch máu dẫn đến tim bị nghẽn, làm cho tim thiếu máu. Tai biến mạch máu não xảy ra khi các mạch máu dẫn đến não bị nghẽn.
Nguyên nhân nào khiến lượng mỡ trong máu cao?
Thường gặp nhất là do ăn uống. Mặc dù có nhiều loại thực phẩm, ví dụ như lòng (heo, bò, gà, vịt, v.v…), tôm, cua và trứng có chứa cholesterol thiên nhiên, các loại thức ăn này không phải là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh nói trên. Nguyên nhân chính là một loại chất béo tìm thấy trong các thức ăn như:
* Thịt mỡ, thịt gà, vịt, da gà, các loại xúc xích, lạp xưởng, giò heo, vịt quay, súp nấu bằng xương heo hay đuôi bò, xíu mại.
* Sữa và các sản phẩm từ sữa còn để nguyên chất béo như phô-ma, kem, sữa chua.

* Mỡ và dầu ăn như bơ, mỡ heo, mỡ thực vật, dầu chiên có ghi chữ “dầu thực vật”
* Dầu dừa, dầu cọ và dầu lấy từ hạt cọ. Những loại dầu này thường được các tiệm bánh dùng để làm bánh ngọt, bánh bích quy, và nhiều khi người ta ghi trên gói bánh chữ “dầu thực vật” để gây cho mọi người cảm tưởng nó có lợi cho sức khỏe, nhưng thật ra không đúng như vậy.
* Nhiều loại thức ăn bán sẵn hay thức ăn vặt (được chiên, nấu bằng các loại mỡ hay chất béo không có lợi cho sức khỏe).
* Nước cốt dừa.
Làm sao giữ lượng mỡ trong máu ở mức bình thường?
Vận động thường xuyên là cách tốt nhất để giữ cho lượng mỡ trong máu ở mức bình thường. Thức ăn cũng góp phần trong việc làm giảm lượng mỡ trong máu.
Sau đây là một vài đề nghị về ăn uống:
* Ăn nhiều các thức ăn như cơm, mì, bún, thức ăn làm bằng bột mì, bánh mì, cháo, đậu khô, đậu đũa, rau, trái cây.
* Trước khi nấu nên lạng bỏ những chỗ có mỡ trên thịt gà, vịt và bỏ luôn cả da.
* Nên ăn cá (cá tươi hay cá đóng hộp) mỗi tuần ít nhất hai lần, nhưng đừng chiên dòn hay lăn bột chiên.
* Nên ăn các thực phẩm làm từ đậu nành (đậu hũ, chao). Những thứ này giúp làm giảm lượng mỡ trong máu.

* Nếu dùng các sản phẩm từ sữa, nên chọn loại có chữ “ít béo” (low fat) hay “giảm béo” (reduced fat).
* Dùng các loại dầu ăn có lợi cho sức khỏe để nấu nướng, nhưng chỉ dùng ít dầu mà thôi. Các loại dầu ăn có tác dụng làm giảm mỡ trong máu gồm: dầu canola, dầu cây hướng dương, dầu đậu nành, dầu bắp, dầu mè và dầu ô-liu.
* Tránh không ăn nhiều các thức ăn chiên dòn ở nhà cũng như khi đi ăn tiệm. Nên dùng các món nướng, hấp, xào (dùng ít dầu và dùng các loại dầu có lợi cho sức khỏe). Nếu cần chiên thức ăn, nên dùng loại chảo không dính hoặc chỉ dùng dùng một cây cọ quẹt một lớp dầu lên đáy chảo, rồi chiên. Nếu dùng nước cốt dừa, nên dùng loại có ghi chữ “lỏng”. Đồng thời thỉnh thoảng mới nên dùng mà thôi.
* Chỉ nên dùng ít dầu hay sốt mayonnaise để trộn rau. Nếu thừa cân, nên chọn các sản phẩm có ghi chữ “không béo” (fat free) hay “ít béo” (low fat).
* Tìm các sản phẩm có dấu (tick) của Hiệp Hội Tim Mạch (Heart Foundation). Dấu hiệu này (ngoặc móc trắng trên nền đỏ) nghĩa là thức ăn có lợi cho tim mạch.
Những loại thức ăn có ghi chữ “cholesterol free” thực sự có lợi cho sức khỏe hay không?
Không hẳn như vậy. Nhiều loại thức ăn không chứa cholesterol, nhưng vẫn chứa các loại chất béo bất lợi cho sức khỏe. Những loại chất béo này có tác dụng làm cơ thể tiết ra nhiều cholesterol hơn.
Ăn các loại thức ăn có nhiều cholesterol như lòng heo, lòng gà, tôm, cua và trứng có an toàn không?
Nếu lượng mỡ trong máu ở mức bình thường, thỉnh thoảng ăn một lần không sao. Nhưng nếu có lượng mỡ trong máu cao, quí vị nên hạn chế các loại thức ăn kể trên. Nếu muốn chắc chắn, nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Làm sao biết được mình có lượng mỡ trong máu cao?
Nhiều người bị chứng mỡ trong máu cao, nhưng vẫn thấy sức khỏe bình thường. Cách duy nhất để biết lượng mỡ trong máu có cao hay không là nhờ bác sĩ thử máu.
Trẻ em có nên tránh các loại thức ăn làm tăng lượng mỡ trong máu hay không?
Mỡ trong máu có thể làm hư hại các mạch máu trong cơ thể ngay từ khi còn nhỏ hay ở giai đoạn thành niên. Quí vị nên cho các em trên năm tuổi ăn các thức ăn chế tạo từ sữa như sữa, sữa chua, phô-ma có lượng chất béo thấp. Chỉ các em dưới năm tuổi mới cần các loại thức ăn kể trên còn nguyên chất béo mà thôi.
Family Medical Practice, TP. Hồ Chí Minh
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!