Home » Thế giới » Ngân hàng trung ương Trung Quốc gặp khó
vnm_201

(VnMedia) – Nắm giữ số lượng ngoại tệ lớn nhất trên thế giới, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) dường như có vai trò rất lớn trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, chính số lượng lớn ngoại tệ nắm giữ này lại ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của PBOC.

Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố tính đến cuối tháng 3, ngân hàng trung ương này đang nắm giữ 3,04 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ các loại, tăng mạnh tới 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chưa một quốc gia nào nắm giữ số ngoại tệ lớn đến như vậy. Nhật Bản là quốc gia nắm giữ ngoại tệ nhiều thứ hai sau Trung Quốc cũng chỉ có 1,12 nghìn tỷ USD.

Thông báo này cho thấy PBOC đang có một thế lực rất mạnh. Tuy nhiên, cơ quan này đang bị thúc giục phải tái vốn hoá. Điều này cũng rất có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thanh toán của PBOC.

Tại sao lại như vậy? Trên thực tế, chính số lượng lớn đồng USD, euro và yên mà PBOC đang nắm giữ cũng là điểm yếu của ngân hàng này. PBOC đã tạo số dự trữ khổng lồ bằng cách mua ngoại tệ với phương tiện thanh toán chủ yếu là đồng nhân dân tệ.

Việc mua bán này đã gây ra hai vấn đề. Đầu tiên, PBOC mua tài sản đang giảm giá – đặc biệt là đồng USD – bằng đồng nhân dân tệ đang có xu hướng mạnh lên. Lấy ví dụ, so với đồng USD, đồng nhân dân tệ đã tăng 1,1% kể từ cuối năm ngoái và 4,5% kể từ cuối năm 2009. Khi PBOC mua ngày càng nhiều ngoại tệ, cán cân thanh toán của ngân hàng này lại càng yếu đi.

Thứ hai, Bắc Kinh đã buộc phải tăng lãi suất nhiều lần để đối phó với tình trạng lạm phát đang bùng nổ ở nước này. Trong vòng 6 tháng qua, PBOC đã phải tăng lãi suất tới 4 lần. Mỗi lần lãi suất tăng lên, chi phí cho việc nắm giữ ngoại tệ cũng tăng theo.

Tuy nhiên, xét khía cạnh khác, sự vỡ nợ của PBOC không đáng lo ngại. Bởi tất cả các trách nhiệm của ngân hàng được đảm bảo bởi chính phủ Trung Quốc, và vì thế các chủ nợ biết rằng họ luôn được đảm bảo. Hơn nữa, Trung Quốc luôn luôn có thể in thêm tiền để đảm bảo mọi nghĩa vụ thanh toán của PBOC

Tuy nhiên, việc sức khoẻ của PBOC yếu đi sẽ dẫn đến hai hậu quả thực tế. Thứ nhất, gánh nặng kinh tế của việc tái vốn hoá sẽ chất lên vai không ai khác chính là người dân nước này. Thu nhập của họ ít đi theo cách trực tiếp là đóng thuế hoặc gián tiếp là lãi suất giảm. Thu nhập càng ít thì tiêu dùng cũng ít đi.

Thứ hai, số nợ của PBOC tăng cũng chính là nợ của Trung Quốc tăng. Trung Quốc công bố mức nợ quốc gia vào khoảng 17% tổng GDP vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nếu tính hết cả số nợ của chính phủ mà số liệu thống kê chính thức chưa tính đến, tỷ lệ này có lẽ phải lên đến 170% GDP.

Tổ chức tín dụng Fitch trong tháng vừa qua đã giảm xếp hạng về triển vọng nợ nội tệ của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực, một tín hiệu cho thấy những vấn đề lâu nay bị che lấp bởi tốc độ phát triển nhanh đang ngày càng lộ rõ. Để thúc đẩy tăng trưởng, cuối năm 2008, Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng giảm các tiêu chuẩn thận trọng, thúc đẩy hoạt động cho vay. Hiện nay, khi tốc độ cho vay đã chậm lại để giảm thiểu lạm phát, có nhiều quan ngại về khả năng thu hồi nợ của một số ngân hàng.

Trên thực tế, bốn ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc là Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đều được Nhà nước đứng đằng sau. Vì vậy, bằng cách này hay cách khác, các nghĩa vụ đều được đảm bảo. Thậm chí cả các ngân hàng nhỏ hơn cũng được hưởng những bảo đảm không chính thức từ chính phủ.

Vấn đề của chính quyền Trung Quốc là phải hỗ trợ các tổ chức tín dụng và đảm bảo phương tiện thanh toán cùng lúc với việc làm chậm đà tăng trưởng để kìm hãm lạm phát. Tuy nhiên các nhà kỹ trị rất khó dùng công cụ lãi suất để thực hiện mục tiêu này, bởi lãi suất tăng cũng đồng thời làm yếu đi khả năng thanh toán của ngân hàng trung ương. Hơn nữa, dù đã 4 lần tăng lãi suất, nhưng hiệu quả đối với việc kìm hãm lạm phát không cao.

Trung Quốc đang ở trong một chu kỳ phát triển bình thường của nền kinh tế. Câu chuyện về khả năng thanh toán của PBOC cho thấy vấn đề của nền kinh tế Nhà nước nắm quyền chủ đạo: phần lớn dựa vào biện pháp tự tăng cường. Tự tăng cường rất hiệu quả trong chu kỳ kinh tế đi lên, nhưng có thể lại là điểm yếu khi vòng xoay thoái trào.


Hoàng Yến – (theo Forbes)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc