Home » Thế giới » Tự do truyền thông – kỳ 3: Campuchia

Bài viết là cái nhìn tổng quát về vấn đề tự do truyền thông ở Campuchia cũng như sự phát triển của các loại hình truyền thông hiện nay.

[title]

Một nhà sư đang xem hình các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ. (ABC)

Tóm lược

  • Cơ quan Truyền thông Quốc gia Úc (ABC) và Cơ quan Truyền thông Anh quốc (BBC) cùng phối hợp để thực hiện loạt bài về vấn đề tự do truyền thông tại bốn quốc gia: Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Singapore.

Quá khứ đau thương

Campuchia là nước có dân số trẻ. Người dân nói chung và giới truyền thông, trong đó có các blogger nói riêng, học hỏi rất nhanh những công nghệ thông tin mới mẻ. Tuy nhiên đây là một đất nước vẫn bị ám ảnh bởi quá khứ.

Chỉ chưa đầy 4 năm cầm quyền, từ tháng 4/ 1975 – 1/1979, chế độ Khmer Đỏ đã khiến hai triệu người thiệt mạng. Hầu như những người dân hiện nay đều có ít nhất một người thân trong gia đình đã chết vì bị giết hại hay đói khát, bệnh tật kể từ ngày Pol Pot thành lập nước Campuchia Dân chủ.

Ngày nay, một trong những nơi còn lưu giữ nhiều chứng tích tội ác của chế độ diệt chủng Pol Pot là nhà tù Tuol Sleng vốn là một trường học trước năm 1975 và nay trở thành viện bảo tàng. Sau khi chiếm chính quyền, Khmer Đỏ đã biến nơi này thành nhà tù và trung tâm tra tấn để đối phó với những ‘kẻ thù của nhân dân’.

Theo ông Ou Virak, thuộc Trung tâm Nhân quyền Campuchia (CCHR), người dân đang cố gắng quên đi quá khứ và hướng tới tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người đã không làm được điều đó bởi nó quá tàn khốc và đau thương.

Sợ hãi là kẻ thù của truyền thông

Ông Ou Virak cho biết hiện nay, mặc dù người dân Campuchia đã có được một số quyền tự do nhất định nhưng so với Thái Lan hoặc Campuchia thì chúng vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Theo quan điểm của ông, một trong những nhiệm vụ của truyền thông là giúp người trẻ ngày nay biết những gì từng xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng.

Ông Patieng Ronsit thuộc Trung tâm Truyền thông Độc lập Campuchia (CCIM) cho hay khi ông bắt đầu hoạt động chính trị và sau đó đấu tranh cho nhân quyền qua Đài Tiếng nói Dân chủ thì gia đình, đặc biệt mẹ ông vô cùng lo lắng. Điều này cũng dễ hiểu bởi người dân Campuchia vẫn còn giữ quan niệm cho rằng chính trị là điều không mấy tốt đẹp. Ông đã được khuyên rằng không nên nói bất cứ điều gì ‘đụng chạm’ tới chính quyền, tóm lại là ‘làm ngơ’ trước các vấn đề liên quan tới chính trị. “Theo tôi, thái độ ‘nhắm mắt làm ngơ’ hiện vẫn rất phổ biến ở xã hội Campuchia”, ông nhận xét.

Cô Kounila Keo, một trong những blogger nổi tiếng chuyên viết về tự do báo chí và các vấn đề xã hội cũng cho hay cha mẹ cô, với sự từng trải qua những năm tháng chiến tranh tàn bạo, vẫn thường dạy cô phải biết giữ im lặng vì im lặng mang lại sự an toàn.

Radio: vai trò to lớn

Theo ông Kikking Son Tổng Biên tập nhật báo ‘The Phnom Penh Post’, radio là phương tiện truyền thông phổ biến nhất ở Campuchia sau TV, rồi sau đó mới đến báo chí và Internet.

Ông Ronsit thuộc CCIM cũng cho rằng radio là phương tiện tốt nhất để cung cấp tin tức và là ‘vua’ tại quốc gia có tới 30% dân chúng không biết đọc, biết viết này. Theo ông, tất cả các đài truyền hình ở Campuchia đều thiên vị và là công cụ của đảng cầm quyền.

CCIM sở hữu Đài Phát thanh Tiếng nói Dân chủ độc lập và thường đề cập tới rất nhiều vấn đề, từ đời sống, xã hội cho đến chính trị.

Bên cạnh CCIM, tổ chức CCHR cũng thường tổ chức các Diễn đàn Nông thôn Công cộng tại nhiều vùng thôn quê để giúp người dân địa phương nói riêng và người dân ở những khu vực xa xôi đến tham dự diễn đàn nói chung có cơ hội được tự do nói lên những đề tài họ quan tâm, trong đó có vấn đề chiếm đoạt đất đai, gia tăng vật giá… mà không phải chịu bất cứ sự kiểm duyệt thông tin nào.

Một trong những đài phát thanh rất có tiếng tăm khác ở Campuchia là đài ‘Tổ ong’ (Beehive) do ông Mam Selando làm Giám đốc. Đây là đài phát thanh đầu tiên ở Campuchia dám lên tiếng phản đối lại sự kìm hãm truyền thông. Uy tín của đài này lớn đến mức có ý kiến cho rằng nếu không có đài ‘Tổ ong’ khởi xướng thì các quan điểm dân chủ không thể nào được đề cập đến nhiều như ngày nay. Ông Virak cho biết khi hướng dẫn các phóng viên ở Campuchia về vấn đề dân chủ, ông luôn nêu lên dẫn chứng về đài ‘Tổ ong’.

Giám đốc của đài ‘Tổ ong’ – Selando, cho biết, ban đầu, ông chỉ có ý định thực hiện các chương trình âm nhạc, nhất là âm nhạc Châu Âu. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy Campuchia vẫn còn tình trạng hạn chế ngôn luận nên ông quyết định thay đổi đường hướng và tập trung phát thanh các quan điểm của quần chúng. Bản thân ông cũng không hề sợ hãi khi đề cập tới nạn tham nhũng trong chính quyền mặc dù ông đã hai lần bị bắt giữ.

Một trong những điều khiến ông Selando vẫn còn trăn trở là làm thế nào để giúp người dân Campuchia có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Báo chí: chưa phát huy hết sức mạnh

Ông Kikking Son – Tổng Biên tập nhật báo ‘The Phnom Penh Post’ cho biết hiện có khoảng 200 tờ báo các loại ở Campuchia, tuy nhiên, trên thực tế thì chỉ có khoảng 10 tờ thực sự tồn tại. Số còn lại thì phát hành không đều đặn, có tờ ra hàng tháng hoặc vài tháng/kỳ. Bên cạnh đó cũng có một số tờ báo mang tính ‘thời vụ’ và chỉ ra vào những dịp như sinh nhật của Quốc vương, Thủ tướng Hun Sen hoặc một số quan chức cao cấp nào đó với số lượng phát hành khoảng một ngàn số mỗi lần.

Đối với nhật báo ‘The Phnom Penh Post’, trong giai đoạn đầu, nó được phát hành 2 tuần/kì dưới dạng bán nguyệt san bằng tiếng Anh. Ngày nay, tờ báo này được viết bằng song ngữ tiếng Anh và tiếng Khmer và trở nên nổi tiếng vì thường đề cập tới những đề tài nhạy cảm mà nhiều tờ báo khác ở Campuchia không dám đăng tải như tội ác, nạn tham nhũng, hành vi của các nhân vật quyền thế…

Theo lời ông Ronsit thuộc CCIM, nhìn bề ngoài, có vẻ lĩnh vực báo chí ở Campuchia hiện nay đã phát triển mạnh mẽ với số lượng phóng viên bị nhà cầm quyền bắt giữ giảm xuống đáng kể.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng hạn chế truyền thông vẫn còn tồn tại và các phóng viên đều muốn tránh gây xích mích với chính quyền nên trong rất nhiều trường hợp, họ không đăng tải những vấn đề nhạy cảm.

HIện nay, tại Campuchia vẫn chưa có nhật báo độc lập do người dân làm chủ. Một số tờ báo độc lập như Cambodia Daily, The Phnom Penh Post đều là của người nước ngoài và theo ông Ronsit thì “những tờ này cũng nhiều khi thiên vị lắm”.

Chính quyền Campuchia vẫn chưa để ý nhiều tới báo in và báo mạng vì thực ra hai phương tiện truyền thông này, đặc biệt là các tờ báo viết bằng tiếng Anh, hiện vẫn chưa có tầm ảnh hưởng lớn đối với người dân nước này.

Một trong những lý do là vì người dân nước này chưa có ‘văn hóa đọc’. Ngoài ra, nhiều người cũng quá nghèo nên không đủ tiền mua báo hàng ngày.

Còn đối với báo mạng thì chỉ những người sống ở thành phố và các sinh viên đại học mới có điều kiện sử dụng Internet.

Blog: thấp thỏm tương lai

Tại Campuchia, các blogger vẫn thường tổ chức các buổi gặp gỡ ‘offlines’ hoặc lập các diễn đàn để trao đổi quan điểm, triển lãm… Khi nhắc đến blog, người ta thường khó bỏ qua anh Tharum Bun, blogger đầu tiên của Campuchia, chuyên viết về đời sống thường ngày của người dân thủ đô, về những gì anh quan sát hay cảm nhận được tại Phnom Penh nói riêng và trên toàn quốc nói chung. Bun cũng thường đề cập tới những điều tưởng chừng rất bình thường như tình trạng giao thông hoặc loại ‘fast food’ mới xuất hiện ở Campuchia hay thái độ của công an với người dân… Bun cho hay điều quan trọng nhất đối với một blogger là “mình phải là mình, phải có tiếng nói và quan điểm của riêng mình”.

Một trong số những blogger nổi tiếng khác tại Campuchia là cô Sopheap Chak, người có mối quan tâm lớn tới vấn đề chiếm đoạt đất đai vốn rất nóng bỏng và phức tạp ở đất nước này.

Đất đai là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn và đã thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông trong cũng như ngoài nước. Điều trớ trêu là chính bản thân rất nhiều người bị mất đất cũng không có hoặc không có đủ giấy tờ pháp lí để chứng minh quyền sở hữu mảnh đất nơi họ đã sinh sống từ rất nhiều năm qua.

Theo blogger Kounila Keo, mặc dù chính quyền Campuchia hiện vẫn chưa xem blog là mối đe dọa, tuy nhiên, cô cũng quan ngại rằng Campuchia có thể bắt chước Trung Quốc trong việc tiến hành các biện pháp đàn áp blogger và tạo dựng tường lửa để ngăn chặn Internet, nhất là trong bối cảnh chính quyền hai nước ngày càng có mối quan hệ mật thiết.

Trước câu hỏi rằng liệu các blogger Campuchia sẽ còn có quyền tự do viết trong bao lâu nữa, cô cho hay: “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ còn có thể tiếp tục viết cho đến khi nào chính quyền nhận ra rằng blog là cách rất tốt để chúng tôi có thể bày tỏ cảm nghĩ của mình với thế giới bên ngoài”.

theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc