Phe nổi dậy tại Libya cho biết sẽ chỉ kí kết kế hoạch hòa bình do Liên minh Châu Phi đề xuất nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hai tháng tại đất nước này nếu đại tá Gaddafi từ chức.
![Đoàn đại biểu Liên minh Châu Phi trong buổi chụp hình lưu niệm với ông Gaddafi. (AFP: Joseph Eid) [title]](https://www.tindachieu.org/wp-content/uploads/2011/04/phe-noi-day-tai-libya-bac-bo-ke-hoach-hoa-binh-image.jpg)
Đoàn đại biểu Liên minh Châu Phi trong buổi chụp hình lưu niệm với ông Gaddafi. (AFP: Joseph Eid)
Lộ trình hòa bình
Với nỗ lực chấm dứt xung đột tại Libya, Liên minh Châu Phi đã đứng ra làm trung gian và đề xuất lộ trình hòa bình.
Phát ngôn viên của tổ chức này cho biết lộ trình hòa bình bao gồm 4 bước: “Đầu tiên là việc đình chiến. Sau đó là chiến dịch hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp và hỗ trợ, bảo vệ người nước ngoài tại Libya. Bước cuối cùng nhưng quan trọng không kém là việc thực thi các cải tổ chính trị cần thiết”.
Để bắt đầu thực hiện kế hoạch, đoàn đại biểu Liên minh Châu Phi do Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma dẫn đầu, đã đến thủ đô Tripoli gặp gỡ và làm việc với Đại tá Gaddafi về vấn đề này, bao gồm thực hiện lệnh ngừng bắn đồng thời mở đường cho ông Gaddafi và lãnh đạo lực lượng nổi dậy ngồi vào bàn đàm phán về cải tổ dân chủ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện kế hoạch này cũng giúp chấm dứt chiến dịch quân sự của NATO tại Libya và giúp người dân Libya tiếp nhận viện trợ nhân đạo dễ dàng và đầy đủ hơn.
Phe nổi dậy tiếp tục chiến đấu
Sáng hôm qua (11/4), Tổng thống Jacob Zuma cho biết ông Gaddafi đã chấp thuận kế hoạch hòa bình.
Tuy nhiên, Liên minh Châu Phi vẫn chưa dứt khoát về việc yêu cầu Đại tá Gaddafi từ chức. Trên thực tế, kế hoạch hòa bình này không bao gồm việc buộc ông Gaddifi phải từ bỏ quyền lực trong khi đây lại là nguyện vọng chính của người nổi dậy.
Ngay khi đoàn đại biểu Liên minh Châu Phi đến thành phố Benghazi, hiện đang là thủ phủ của quân nổi dậy, họ đã nghe tiếng hò hét vang dậy của hàng ngàn người:
“Gaddafi hãy biến đi!”
Phe nổi dậy hoan nghênh chào đón đoàn đại biểu nhưng đồng thời cũng khẳng định họ sẽ không kí kết điều gì trừ khi ông Gaddafi từ chức.
“Người dân phải được quyền nói lên tâm tư nguyện vọng của mình một cách công khai, dân chủ và binh lính chính phủ phải quay về doanh trại của họ”, ông Shamsiddin Abdulmolah, phát ngôn viên của Hội đồng lâm thời quốc gia (NPC) do lực lượng nổi dậy thành lập, cho biết.
Điều đáng nói là mặc dù ông Gaddafi đã đồng ý thực hiện kế hoạch hòa bình vào hôm Chủ nhật 10/4 nhưng quân đội của ông vẫn không ngừng nã súng vào phe nổi dậy tại Misrata ở phía tây của Libya.
Phe nổi dậy tỏ ra dè bỉu trước thông tin về việc ông Gaddafi đồng ý kế hoạch hòa bình khi hàng ngày họ vẫn phải chiến đấu giáp lá cà với lực lượng quân sự của chính quyền đang tiếp tục bắn phá thành phố Benghazi.
Lãnh đạo các nước phương Tây cũng bác bỏ những kế hoạch không có điều khoản bắt buộc ông Gaddafi phải từ chức. Đồng thời, NATO vẫn không ngừng chiến dịch quân sự cho đến khi có lệnh ngừng bắn chính thức giữa hai bên.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết trước đây, chính quyền Gaddafi đã từng tuyên bố ngừng bắn nhưng xem ra lời hứa này đã không được giữ đúng.
Động thái của Úc
Trong một diễn biến khác, sáng nay ngày 12/4, Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd đã có chuyến công du sang Việt Nam.
Trong một bài phỏng vấn với Đài Úc trước chuyến đi, ông Rudd đã lên tiếng kêu gọi đại tá Gaddafi từ chức và cho biết ông vừa có cuộc nói chuyện với Tiến sĩ Mahmoud Jibril của Hội đồng lâm thời quốc gia tại Libya.
“Úc đánh giá cao những nỗ lực thiết lập hòa bình của Liên minh Châu Phi nhưng phe nổi dậy đã cho biết rõ quan điểm của họ về quá trình cải tổ dân chủ tại Libya. Theo đó, kế hoạch hòa bình chỉ có thể thực hiện được khi ông Gaddafi từ bỏ quyền lực”, ông Rudd nói.
Ngoài ra, ông Rudd cho rằng trong con mắt của người dân Libya cũng như cộng đồng quốc tế, chế độ của ông Gaddafi đã không còn đủ tư cách cai trị đất nước này. Ông Rudd cũng tin rằng đã đến lúc đại gia đình Gaddafi nên rời khỏi Libya ngay lập tức.
Theo bayvut
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!