Home » Thế giới » Tự do truyền thông – kỳ 1: Indonesia
Bài viết phân tích giai đoạn thăng trầm của ngành truyền thông Indonesia từ thời hai nhà lãnh đạo độc tài Sukarno và Suharto cho tới thời điểm hiện nay.
[title]

Tổng thống Indonesia Suharto (1921-2008) người bị cho là đã thực hiện nhiều hành vi tàn bạo để nắm giữ quyền lực kéo dài suốt hơn 30 năm. (Reuters: Heddy Lugito)

Tóm lược

  • Cơ quan Truyền thông Quốc gia Úc (ABC) và Cơ quan Truyền thông Anh (BBC) đã cùng phối hợp để thực hiện loạt bài về vấn đề tự do truyền thông tại bốn quốc gia: Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Singapore.

Kìm hãm truyền thông

Từ hơn 60 năm qua, hai nhà độc tài đã nắm quyền cai trị Indonesia. Đầu tiên là ông Sukarno, người đã có công giành độc lập cho đất nước từ tay người Hà Lan vào năm 1949. Kế đó là ông Suharto, nhân vật đã lật đổ ông Sukarno.

Thời gian ông Suharto cầm quyền được gọi là thời kỳ Trật tự Mới và sau khi ông bị lật đổ, chấm dứt hơn 30 năm cầm quyền (1967-1998) thì Indonesia bước vào giai đoạn Đổi mới, Reformasi. Giai đoạn này vẫn đang tiếp diễn để đưa đất nước Indonesia tiến tới một nền dân chủ toàn diện.

Khi nói tới lịch sử truyền thông Indonesia, người ta không thể không nhắc tới Tempo, tuần báo chuyên về tin tức và chính trị, do ông Goenawan Mohamad – một trong những nhân vật tiên phong kiệt xuất trong ngành truyền thông Indonesia cùng với ông Yusril Djalinus sáng lập cách đây 40 năm.

Kể từ ngày ra mắt lần đầu tiên vào tháng 3/1971, Tempo đã công khai đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có tệ nạn tham nhũng và những tội ác của chế độ cầm quyền. Riêng trong lĩnh vực ‘báo nói’, người ta cũng không thể bỏ qua đài phát thanh KBR68H, được xem là ‘con đẻ’ của Tempo.

Ông Goenawan – người sáng lập ra Tempo là một chính khách dày dạn kinh nghiệm, rất được kính trọng đồng thời là một đạo diễn kịch và phóng viên. Trước khi tham gia nghiệp báo chí, ông Goenawan từng là một nhà thơ. Ông cho hay, dù chế độ độc tài Suharto kiểm soát rất chặt chẽ quyền tự do ngôn luận nhưng thơ là lĩnh vực duy nhất có được khoảng trời tự do. Trong thời gian trước khi ông Suharto lên cầm quyền, vào năm 1964, dưới thời Tổng thống Sukarno, bản thân ông đã từng bị cấm không được xuất bản các bài thơ của mình.

Sau khi tạp chí Tempo ra đời, ông Goenawan đã bị gây khó dễ và đe dọa trong suốt nhiều năm. Tempo đã bị chính quyền Suharto đóng cửa hai lần và một số phóng viên của tạp chí này cũng bị giam giữ.

Cũng như nhiều người dân Indonesia thời đó, ông Goenawan rất hy vọng và tin tưởng rằng với việc ban hành chính sách ‘Trật tự Mới’ thì người dân Indonesia sẽ được hưởng các quyền tự do cá nhân, trong đó có tự do ngôn luận. Tuy nhiên thực tế cho thấy đó chỉ là ‘niềm tin ngây thơ’. Vào năm 1974 , khi Tempo bị đóng cửa lần thứ hai, chính quyền nước này đã ban hành thêm nhiều luật lệ hạn chế quyền tự do báo chí.

Những chuyển biến tích cực

Trước khi Tempo ra đời, chính quyền chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các tờ báo riêng của các đảng phái chính trị. Trong bối cảnh cần thiết phải có các tờ báo độc lập bên cạnh các tờ báo của chính quyền, ngay khi vừa ra đời, Tempo đã có rất đông độc giả. Tuy nhiên, càng cầm quyền lâu thì ông Suharto lại càng gặp nhiều khó khăn, vì vậy, một tờ báo có tiếng nói và chủ trương độc lập như Tempo đã trở thành ‘cái gai’ trong con mắt nhà lãnh đạo này.

Ông Bamgbang Haramoty, tổng biên tập hiện thời của Tempo đồng thời là thành viên của Hội đồng Báo chí Độc lập Indonesia cho hay trước đây, dưới thời Tổng thống Suharto, ông và các đồng nghiệp của tờ Tempo rất sợ hãi khi Tempo đăng tải các thông tin về tham nhũng, thủ tiêu người…

Ông kể lại: “Tôi cố gắng kiềm chế nỗi lo sợ. Khi biết sẽ nhận được các lời cảnh cáo của chính quyền, tôi luôn nhờ một người khác nhấc điện thoại. Người đó viết lại nội dung cuộc nói chuyện và chỉ đưa cho 5 người trong ban biên tập biết mà thôi. Chúng tôi biết sợ hãi là ‘bệnh’ dễ dàng lây lan”.

Ngày nay, trên khắp đất nước Indonesia, lĩnh vực báo chí đã khởi sắc và các loại báo được bày bán rất đa dạng so với cách đây 13 năm, từ nhật báo, tuần báo, nguyệt san cho tới các tạp chí dành cho phụ nữ, thời trang…

Bên cạnh đó, dù tình trạng kiểm soát thông tin đã được cải thiện hơn trước rất nhiều nhưng Indonesia vẫn được coi là nơi nguy hiểm cho các phóng viên. Vào năm 2010, đã có bốn nhà báo thiệt mạng và một số đã bị đánh đập hoặc đe dọa. Tháng 6/ 2010, tòa soạn Tempo bị hai người bịt mặt đi xe gắn máy ném bom xăng sau khi báo này đăng bài về một số tướng lãnh trong ngành cảnh sát che giấu tiền tham nhũng. Trong số đó, đáng chú ý là có một người có ít nhất 10 triệu đô-la trong tài khoản trong khi thu nhập chỉ khoảng 400 đô-la/tháng. Điều trớ trêu là ông này lại là người đứng đầu bộ phận chuyên điều tra về nạn tham nhũng trong ngành cảnh sát.

Khi loạt bài về vụ việc được Tempo đăng tải, cảnh sát đã cố gắng ngăn chặn việc phát tán thông tin bằng cách mua tới 30 ngàn ấn bản tại thủ đô Jakarta. Tuy nhiên, dân chúng vẫn ùn ùn đổ xô đi mua báo khiến cho giá báo tăng lên gấp đôi. Ngay sau đó, Tempo đã in thêm 30 ngàn tờ và phân phối cho các độc giả quan tâm.

Trong khi đó, trong lĩnh vực truyền thanh, đài KBR68H, ‘con đẻ’ của Tempo (ra đời vào năm 1999, một năm sau ngày Tổng thống Suharto bị lật đổ), cũng trở nên nổi tiếng nhất Indonesia. KBR68H hiện có hơn 30 triệu thính giả với hơn 700 trung tâm phát thanh trên khắp đất nước Indonesia, kể cả những vùng xa xôi hẻo lánh nhất.

Ông Heno Henramoko, Tổng Giám đốc của KBR68H, cho hay giai đoạn 1999 tới nay là quãng thời gian phát triển mạnh mẽ các đài phát thanh, truyền hình và báo chí độc lập, trong đó KBR68H là đài tiên phong. Trước đó, các đài phát thanh đều nằm trong tay nhà nước và chưa có các chương trình tin tức đúng nghĩa.

Kẻ thù hiện nay của truyền thông Indonesia

Cho tới nay, Indonesia đã tổ chức hai cuộc bầu cử tổng thống trong tinh thần tự do, dân chủ thực sự. Chế độ dân chủ hiện đã bén rễ và được xác lập vững chắc với sự đóng góp không nhỏ của truyền thông vốn đã thực sự khởi sắc. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đối với ngành này là vấn nạn tham nhũng vốn đã ăn sâu, bám rễ dưới chế độ độc tài của Tổng thống Suharto.

Thậm chí cho tới ngày nay, gần 13 năm sau khi chính quyền Suharto sụp đổ tham nhũng vẫn còn là vấn đề gây nhức nhối cho đất nước. Hạt giống dân chủ đã nẩy mầm và vươn lên kèm theo đó là các quyền tự do căn bản, trong đó có tự do ngôn luận. Mặc dù ngành truyền thông đang ngày càng lớn mạnh nhưng vẫn chưa đủ sức để buộc những người bị cáo buộc tham nhũng phải trả lời cho những bức xúc của công luận.

Hiện trong ngành truyền thông Indonesia đã có một số nhà báo đủ dũng khí và tinh thần độc lập để đương đầu và đứng vững trước mọi sự can thiệp của chính quyền hoặc của các thế lực.

Tuy nhiên, theo bà Anmy Moolia, Tổng Giám đốc Hiệp hội Phát triển Truyền thông Indonesia, kẻ thù của truyền thông ngày nay rất ‘ngọt ngào, dễ thương’ chứ không phải luôn khiến người ta sợ hãi như trước đây. Đó là sự cám dỗ của ‘văn hóa phong bì’ đối với các phóng viên. Bà cho hay điều đó đã khiến nhiều phóng viên sa ngã và đã vi phạm các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. “Vấn đề lớn đặt ra hiện nay là trách nhiệm đối với sự tự do”, bà nhấn mạnh. Tuy nhiên, nhiều cơ quan truyền thông hiện vẫn làm ngơ vấn đề này.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng của các phóng viên cũng chỉ là một khía cạnh nhỏ của vấn nạn lớn này. Theo ước tính, chỉ riêng năm 2010, nạn tham nhũng đã làm Indonesia thất thoát khoảng 3 tỉ đô-la. Bên cạnh đó, việc phòng chống tham những trong ngành truyền thông cũng là một thách thức lớn lao vì thế lực của những kẻ tham nhũng.

Theo ông Bamgbang Haramoty, nhiều chính khách hiện nay của Indonesia trước đây đã từng phục vụ chế độ Suharto. Do đó nếu đào bới lại quá khứ thì chính họ cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhiều người dân thường cũng chỉ muốn có một tương lai tươi sáng hơn và không muốn khơi gợi lại quá khứ.

Vẫn theo lời ông Bambang, ngày nay cuộc đấu tranh cho nhân quyền vẫn đang tiếp diễn rất mạnh mẽ nhưng các lực lượng chống đối cũng đã củng cố và tập hợp sức mạnh. Hơn nữa, việc đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng đã từng xảy ra trong quá khứ hoặc ở thời điểm hiện tại là vấn đề rất nhạy cảm.

Ông cho rằng có vẻ như bằng cách này hay cách khác, hầu như rất nhiều người đều đã bị ‘nhúng chàm’, trong đó có những người ở vào hoàn cảnh bị buộc phải tham nhũng nếu không muốn bị mất việc. “Vì lý do đó, nếu bạn quyết tâm đi tới cùng trong vấn đề bài trừ tham nhũng thì có thể chính bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông nói.

theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc