Home » Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » 1 m2 đất đòi bồi thường… 1 tỷ đồng
Mặc dù đã được chủ đầu tư trả tới 500 triệu đồng/m2, song một số hộ dân vẫn không chịu và đòi mức giá bồi thường GPMB phải là 1 tỷ đồng/m2. Sự vô lý này đã xảy ra tại một trong những dự án nằm trên “đất vàng” của Hà Nội.
8bahang
1 m2 đất đòi bồi thường… 1 tỷ đồng!
Năm 2004, thành phố Hà Nội có quyết định thu hồi khu đất hơn 4000 m2 tại số 22 – 24 Hàng Bài và số 25 – 27 phố Hai Bà Trưng giao cho Công ty Kinh doanh Xây dựng nhà (nay là Công ty cổ phần Thời đại mới T&T) làm chủ đầu tư dự án xây dựng Trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở tái định cư tại chỗ.
Trong số hơn 4000 m2 trên, chỉ có gần 300 m2 thuộc 17 chủ sử dụng đất (bao gồm các hộ gia đình và 1 tổ chức) đang sinh sống, kinh doanh cần phải giải tỏa, hỗ trợ bồi thường tái định cư.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai do vướng khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), mà cụ thể là chủ sở hữu đòi bòi thường hỗ trợ quá cao.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc GPMB, chủ đầu tư đã căn cứ vào giá thị trường để đưa ra mức giá bồi thường hỗ trợ cho người dân. Cụ thể là diện tích tầng 1 (thông tầng) là 500 triệu đồng/m2, đất tầng 1 không có nóc là 300 triệu đồng/m2 và tầng 2 là 200 triệu đồng/m2. Đây là giá đã được tham khảo đối với các khu vực xung quanh dự án.
Với mức bồi thường như trên, tính đến thời điểm này, đã có 14/17 chủ sử dụng đất chọn phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư bằng tiền và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, còn 3 hộ dân không đồng ý.
Trong văn bản gửi UBND quận Hoàn Kiếm và Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư ngày 11/10/2010, chủ đầu tư cho biết, các hộ dân đã đưa ra mức giá đòi bồi thường lên tới 1 tỷ đồng/m2. Và tất nhiên, với một mức giá trên trời như vậy thì chủ đầu tư không thể đồng ý.
Tại cuộc họp sáng ngày 25/11, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định: “Mặc dù phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư của chính quyền quận cũng như hỗ trợ riêng của chủ đầu tư đã vận dụng tối đa các quy định của Nhà nước, xây dựng phương án thỏa thuận chuyển nhượng theo giá thị trường nhưng vẫn có 3 hộ không có tinh thần hợp tác.
Những yêu cầu đòi hỏi thái quá của một số ít hộ dân đã gây khó khăn cho chủ đầu tư cũng như ảnh hưởng tới kế hoạch GPMB trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”.
Chính vì vậy, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, lãnh đạo quận cho biết sẽ tiến hành các biện pháp hành chính thu hồi đất theo kế hoạch với thời gian GPMB xong trước ngày 15/1/2011.
Sự việc trên là một minh chứng rõ nét nhất cho việc thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân bất thành xuất phát từ những đòi hỏi phi lý của người dân. Theo ý kiến của một số chuyên gia, trong những trường hợp như vậy, có thể xem xét đến việc áp dụng chế tài, chẳng hạn như “đánh nặng” vào kinh tế, chỉ áp dụng hỗ trợ bồi thường theo đúng quy định mà thôi.
Lan Hương
Theo dantri


01 ý kiến dành cho “1 m2 đất đòi bồi thường… 1 tỷ đồng”

  1. Lương Văn Phúc 29/11/2010

    Phản hồi về loạt bào báo “Giá bồi thường khu đất vàng tại Hà nội 1 tỷ đồng/m2

    Phải tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận

    Khu đất như bài báo phản ánh là đất kim cương chứ không còn là đất vàng nữa. Thử hỏi sau dự án này thì Hà nội tìm đâu ra một vị trí đất tương tự nào để giao cho nhà đầu tư trong tương lai?

    Vấn đề ở đây là chủ đầu tư phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận với các hộ dân để sớm đưa dự án vào hoạt động, tránh lãng phí chung cho xã hội.

    Người dân có lý khi cho rằng đây chỉ là một dự án thương mại chứ không phải công trình phục vụ “Quốc kế – dân sinh, An ninh – quốc phòng” nên trong mọi trường hợp chủ đầu tư phải thỏa thuận với dân theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Có lý ở chỗ đây thuần túy là một giao dịch dân sự mà chủ thể ở đây là chủ đầu tư và người dân. Người dân không tự nghĩ ra việc bán nhà khi họ đang làm ăn sinh sống ổn định ở nơi mà họ có quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Người dân cũng rất thụ động, mơ hồ về dự án vì đây là việc của chủ đầu tư – người chủ động lập dự án đầu tư trên phần đất đang có dân ở. Vì vậy chủ đầu tư phải chủ động thỏa thuận với các hộ dân để đạt được mục đích đầu tư của mình. Mà đã là thỏa thuận thì chẳng có đắt rẻ gì ở đây cả, miễn sao hai bên đạt được nguyện vọng. Mà cũng chẳng có tiền lệ nào cả vì có mảnh đất nào giống mảnh đất nào đâu, thậm chí giá giao dịch trong nhiều trường hợp cũng chỉ có hai bên biết. Trong thực tế có rất nhiều chủ đầu tư sau khi lập dự án đầu tư, có được giấy phép đầu tư rồi mới tiến hành thỏa thuận bồi thường cho từng hộ dân một cách riêng lẻ với giá bồi thường không giống nhau (phụ thuộc vào vị trí, đối tượng) nhưng tổng chi phí đền bù cuối cùng vẫn nằm trong kiểm soát của chủ đầu tư.

    Vì là giao dịch dân sự nên phải tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận, bình đẳng giữa các chủ thể của giao dịch. Nhà nước không thể can thiệp bằng các quyết định hành chính trong trường hợp này vì rất có thể (thậm chí là chắc chắn) việc can thiệp của nhà nước sẽ có lợi cho bên này mà gây thiệt cho bên kia trong giao dịch. Hơn nữa Nhà nước cũng không có nghĩa vụ đứng ra giải quyết việc này mà Nhà nước chỉ, trên cơ sở giao dịch hoàn thành, ra văn bản thu hồi đất của các hộ dân và giao cho nhà đầu tư để thực hiện dự án.

    Vì vậy mà thỏa thuận là giải pháp duy nhất để đẩy nhanh công tác GPMB cho dự án này.

    Lương Trọng Phúc,
    TPHCM

    Reply